Chung Ju-Yung: Biến điều không thể thành có thể

Từ những thất bại cay đắng nhất thời trai trẻ, vượt lên những khó khăn, đương đầu với thử thách, biến điều không thể thành hiện thực, Chung Ju-Yung - người sáng lập tập đoàn Huyndai - đã góp phần đưa một Hàn Quốc chiến tranh triền miên, khí hậu khắc nghiệt trở thành một nền kinh tế vững mạnh đáng khâm phục.

Ý chí tiến thủ và niềm tin của một người nông dân chính là chìa khóa để làm nên những kỳ tích đó. Dù là một quốc gia hay một doanh nghiệp thì cội nguồn để thành công nằm ở việc những nhân vật chủ chốt của doanh nghiệp đó, quốc gia đó có tinh thần tiến thủ mạnh mẽ ra sao và hành động như thế nào. Cuộc đời và những quyết tâm đổi mới kinh tế của Chung Ju-Yung đáng để cho bất kỳ quốc gia nào muốn thoát khỏi nghèo đói, lạc hậu học hỏi.

Tuổi thơ và ba cuộc trốn chạy

Sinh ra và lớn lên trên vùng quê Asan nghèo khó, trong một gia đình nông dân đông anh em, quanh năm cần cù lao động cũng chỉ đủ ăn, tuổi thơ của Chung Ju-Yung gắn liền với chế độ thống trị của Nhật Bản, nhân dân Hàn Quốc lúc đó sống trong cảnh dè sẻn "sáng cơm, tối cháo" từng ngày.

Asan là vùng quê khí hậu khắc nghiệt: mùa khô thì hạn hán như muốn đốt cháy tất cả, mùa mưa thì mang đến những trận hồng thủy, mùa đông thì dìm tất cả ngập trong tuyết. Tuyết rơi dày hơn một mét, có khi đến hai mét, người dân phải đào đường hầm mà đi. Chỉ cần mưa đến muộn một chút vào mùa xuân, hay một cơn mưa đá trong mùa hè hoặc sương muối sớm vào mùa thu là cả năm mất mùa.

Ông Chung Ju-Yung. Ảnh: wiki

Mười bốn tuổi Chung Ju-Yung tốt nghiệp tiểu học, ngay lúc ấy giấc mơ học tiếp để trở thành thầy giáo tiểu học đã ấp ủ trong đầu ông. Người cha thì luôn muốn con trai trở thành một nông dân giỏi, nhưng ông chỉ muốn thoát khỏi vùng quê nghèo đó, dù làm công nhân nhà máy cũng chẳng sướng hơn làm một nông dân. Thế là ý chí thúc giục ông lên thủ đô Seoul, tự học, vượt qua kỳ thi để trở thành một luật sư như những gì ông đọc được trong một trong báo.

Lần đầu tiên cùng một người bạn trốn nhà đi, đường lên thành phố khá xa nên ông phải đi xin cơm. Vận may đến với ông và người bạn khi họ đượ nhận làm công nhân xây dựng đường xe lửa Bình Nhưỡng - Gowon. Ý đồ gom góp tiền đi Seoul chưa thành thì cha ông tìm thấy và đưa về. Trở về nhà nhưng ông vẫn bực tức trong lòng: "Những đồng tiền quý giá mà mình làm được chẳng là bao nhưng đó là công sức của chính mình. Nếu có thể cho mình tiếp tục công việc thì mình có đủ tự tin để khám phá cái thế giới mới mẻ và rộng lớn bao la này".

Lần thứ hai trong tay, ông lại bị một người đàn ông đứng tuổi lừa hết tiền. Cũng chính vì tin rằng ông ta sẽ kiếm cho mình một công việc trong khách sạn ở Seoul nên ông lại một lần nữa trắng tay. Sau chuyến đi 10 ngày ấy, ông lại bị một người bà con đưa về. Ông chấp nhận trở lại làm nông dân vì cảm thấy có lỗi khi làm cha đau lòng. Nhưng tâm trí ông chỉ hướng về Seoul, ý chí thoát nghèo trong ông vẫn không thay đổi.

Suy nghĩ kỹ lưỡng, lần thứ ba ông trộm 70 won bán bò của bố để lên Seoul học kế toán. Ông rất khâm phục Napoleon, người sinh ra trong một gia đình nghèo, nhờ tinh thần bất khuất, dũng cảm cuối cùng đã trở thành Hoàng đế Pháp. Ông cũng thấy tuổi thơ mình có nhiều nét giống Lincoln - xuất thân nông dân, rồi ra thành phố lao động và sau đó trở thành Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ.

Mới học được hai tháng, bất ngờ người cha lại xuất hiện trước mặt ông, nhưng không giận cũng không mắng, cha ông chỉ nói vài lời: "Con phải nhớ con là một thằng nhà quê học hết cấp 1, ở Seoul người ta học hết trường Cao đẳng còn thất nghiệp đầy cả đống. Cha già rồi, con là con trưởng thì phải giúp cha, con mà bỏ mặc thì cả nhà sẽ thành bầy ăn mày". Lời cha cứa vào trong lòng ông, hình ảnh người mẹ và các em hiện lên trước mắt, nỗi buồn ngập tràn và ông đã khóc. Và ông lại thất bại trong chuyến đi lần này.

Ý chí có kiên cường, con người có mạnh mẽ thế nào, vẫn không vô tình và bỏ mặc những người thân yêu.

Từ khuân vác thành giám đốc

Sau ba lần lên Seoul không thành, Chung Ju-Yung vẫn không từ bỏ giấc mơ thoát khỏi cái nghèo khổ của vùng quê heo hút và khắc nghiệt ấy.

Dường như may mắn đã mỉm cười với ông trong lần thứ tư trốn nhà, ông xin được một chân khuân vác ở công trình xây dựng trường học Bosung (ĐH Hàn Quốc bây giờ).

Sau hai tháng tìm tòi công việc, ông trở thành nhân viên phân phối gạo lẻ cho của hàng gạo "Phục hưng Thương hội". Do có kiến thức kế toán học được trước đó, ông được chủ cửa hàng rất tin tưởng.

Sau 4 năm làm việc ở đây, sự kiên trì, say mê, cần cù, chịu khó, thật thà của Chung Ju-Yung đã khiến ông chủ Phục hưng Thương hội quyết định trao lại của hàng cho ông thay vì đứa con trai ông ăn chơi, trác táng của mình. Ông đổi tên cửa hàng thành "Kinh nhất Thương hội". Từ một kẻ không xu dính túi, Chung Ju-Yung đã có trong tay một cửa hàng phân phối gạo lớn khi mới 22 tuổi nhờ uy tín tích lũy được trong bốn năm trời.

Năm 1939 chiến tranh xảy ra, chế độ phân phối gạo được ban bố, tất cả các cửa hàng buôn bán gạo trong cả nước bị đóng cửa. Trước cú sốc lớn đó, ông vẫn vững lòng tin: nếu toàn tâm, toàn ý dốc sức thì bất cứ việc gì cũng có thể thành công.

Ông về quê mua cho cha thêm 660 mét vuông đất và biếu cha một khoản tiền vốn. Đầu năm sau, hoài bão làm giàu lại thôi thúc ông lên Seoul, mảnh đất mà người trượng phu có thể vật lộn với số mệnh.

Khi đang lang thang với số vốn ít ỏi, ông được một người bạn cho biết một nhà máy sửa chữa ôtô đang có ý định chuyển nhượng. Ông mù tịt về ôtô nhưng người bạn khẳng định nghành này cần ít vốn mà kiếm nhiều tiền, còn hứa sẽ tập hợp thợ giỏi cho ông, cần nhất là có 3.500 won để chuyển nhượng. Nhờ uy tín thời buôn bán gạo, ông vay được 3.000 won từ một người cho vay lãi mà không cần thế chấp, chỉ bằng uy tín. Gom góp cả vốn, vay và được hai người bạn giúp đỡ, ông có 5.000 won để tiếp quản nhà máy sửa chữa ô tô Ado Service vào năm 1940.

Ông bắt đầu công việc mới với tràn trề hy vọng. Mọi việc ban đầu đều trôi chảy, khách đến ngày càng đông. Nhưng không may, một buổi sáng, một công nhân sơ ý để dầu bén lửa trong khi rửa tay khiến cả nhà máy bốc cháy, trong đó có cả những chiếc xe đắt tiền vừa sửa xong của khách. Tất cả thành tro bụi, ông đứng trước nguy cơ phá sản, nợ chồng chất.

Ông lại tìm đến người cho vay nặng lãi, không phải để trả nợ mà là vay thêm, vẫn không thế chấp cái gì ngoài uy tín. Ông nhanh chóng xây dựng lại nhà máy, công việc ngày càng nhiều, làm cả ngày lẫn đêm. Ông cũng làm việc như một công nhân. Cạnh tranh với các xưởng sửa chữa hàng đầu trong thành phố thời đó, ông đề ra tiêu chí sửa nhanh gấp 2 - 3 lần. Vì thế mà xe hơi của thành phố Seoul cứ ùn ùn kéo về xưởng của ông.

Ông mở rộng mặt bằng, tìm thêm khách hàng: người ngoại quốc, quân đội, ngoại thành... Bản thân ông dần nắm vững mọi nguyên lí hoạt động của tất cả các loại máy móc, xe cộ. Và Công ty công nghiệp xe hơi Huyndai ra đời ngày 25/5/1947, ông là giám đốc.

Người ta khi thành công thì nghĩ là do may mắn, còn khi công việc không suôn sẻ thì lại đổ cho là không may. Nhưng đối với Chung Ju-Yung thì: "Một người không tin là có vận xấu, người đó sẽ không có vận xấu. Mọi thứ đều quân bình, vận may rủi đều đến với con người như nhau. Quan trọng nhất là phải nỗ lực, nỗ lực không ngừng và biết chớp thời cơ".

Ý tưởng độc đáo, tự tin vào chính mình

Chiến tranh với Nhật ngày càng khốc liệt buộc ông phải sát nhập, rồi nhượng lại công ty cho người khác. Bắt đầu lại từ số không, ông xin vào làm ở xưởng chế luyện Choksan và chờ đợi cơ hội.

Ông dần khôi phục lại công ty của mình. Một lần lên cơ quan hành chính nhận tiền, ông gặp các nhà thầu xây dựng. Ông nhận được 100 won thì họ lãnh mấy ngàn won - cũng một khoảng thời gian và công nhân như nhau mà tiền công lại chênh lệch một trời một vực. Ngay lập tức ông treo thêm tấm biển "Công ty xây dựng cơ bản Huyndai". Ông trúng một hợp đồng sửa chữa trị giá 1.530.000 won ngay trong năm đầu tiên.

Có kinh nghiệm về xây dựng cơ bản, lại tự tin vào quyết định đúng đắn của mình, ông không thấy cái gì là khó khăn. Ông luôn tuân theo một nguyên tắc: "Tin tưởng 90 phần trăm sẽ thành và 10 phần trăm tự tin mình nhất định làm được".

Nhưng cuộc sống chẳng khi nào có thể đoán trước, chính trị lại chi phối tất cả, nhất là trong thời chiến tranh loạn lạc. Hỗn loạn 25/6 nổ ra, ông cùng em trai phải li tán gia đình.

Qua quen biết, ông nhận được một công trình của quân đội Mỹ. Dự án phủ xanh nghĩa trang của quân đồng minh trong mùa đông tuyết giá rất gấp về thời gian, ai cũng cho là không thể làm được. Vậy mà ông vẫn làm được hoàn hảo bằng cách mua cây lúa ở nơi khác, vận chuyển cả gốc về phủ lên. Dự án được hoàn thành còn ông được Tổng thống Mỹ Eisenhower khen hết lời.

Với công trình Koriong (cầu đường bộ bắc qua sông Hàn) sau đó, ông học được một bài học quan trọng là: "Việc học hỏi những người trẻ hơn, có địa vị thấp hơn mình những điều mà mình không biết, không có gì là xấu hổ". Ông đã học được rất nhiều từ các chuyên gia kiến trúc trẻ người Mỹ, từ thiết kế đến quản lý chất lượng công trình.

Chung Ju-Yung thu được thành công từ sửa chữa ôtô đến xây dựng nhà ở, cầu đường, những lĩnh vực khó khăn cần ý tưởng và kinh nghiệm cũng như sự sáng suốt. Đối với thành bại trong đời, ông quan niệm chìa khoá chính là hành động và thời gian. Cũng chính phương trâm này đã giúp ông cạnh tranh được với các công tu xây dựng nước ngoài.

Trước sự ngạc nhiên của người thân và công nhân, ông lại có thêm một quyết định táo bạo là chuyển sang lĩnh vực đóng tàu. Là người luôn tìm tòi cái mới, ông coi "cái gọi là đóng tàu nào có khác việc xây dựng là mấy". Việc cắt thép ra, hàn lại và đặt máy lên, tất cả chẳng phải là những việc ông vẫn thường làm đó sao? Suy nghĩ của ông biến mọi thứ từ phức tạp thành giản đơn, từ khó trở thành dễ.

Thế là công ty đóng tàu Huyndai tại Ulsan ra đời và phát triển như vũ bão. Đến thập niên 70 của thế kỷ XX, công ty của ông là công ty đóng tàu lớn nhất thế giới.

"Doanh nghiệp Hàn Quốc và nền kinh tế Hàn Quốc phát triển như ngày hôm nay là dựa vào ý chí bất khuất của con người sáng tạo, vào tinh thần tiến thủ, sự cống hiến hết sức mình của tầng lớp công nhân cần cù và ưu tú. Tất cả chỉ bằng sức người".

Biến đổi lịch sử

Ngắm cánh đồng rộng lớn mà cha khai hoang trên núi Sosan, ông cảm thấy tinh thần tiến thủ của cha đang ngấm vào mình. Tính cần cù của cha mẹ là bài học quý giá của cuộc đời ông, là di sản nền tảng biến ông thành con người thành đạt đến thế.

Ông Chung Ju-Yung. Ảnh: wiki

Tình cảm của cha ông, cũng như những nông dân hiền lành và chất phác, dành cho đất, khao khát có được một mảnh đất của riêng mình, cũng ấp ủ trong Chung Ju-Yung ước muốn khai hoang đất đai. Với người Hàn Quốc, việc khẳng định và mở rộng đất đai trong hoàn cảnh dân số tăng cao và thiếu lương thực cũng là điều cực kỳ quan trọng.

Giấc mơ biến vùng biển lồi lõm phía Tây Nam thành đồng bằng đã nhen nhóm trong ông từ thửa ấu thơ. Đây là công trình dân sự lớn nhất cho đến năm 1983. Vùng biển này nổi tiếng nguy hiểm bởi đá ngầm và nước mạnh, tốc độ nước đến 6m/s, khiến những tảng đá to bằng xe hơi vừa ném xuống đã tức khắc biến mất.

Chính trong khó khăn, con người sẽ nảy sinh sáng tạo: ông dùng đến sự trợ giúp của những chiếc tàu chở dầu nặng 230.000 tấn, dài 300m, rộng 45m và cao 27m. Phương pháp này tiết kiệm được 29 tỷ won. Ông đã phải đục lỗ những tảng đá 4-5 tấn, lấy dây sắt cột 2-3 tảng vào với nhau rồi dùng phà ném xuống. Với công trình hơn đê chắn thủy triều dài 6.400m này, Chung Ju-Yung đã mang lại cho Hàn Quốc hơn 100 triệu mét vuông đất nông nghiệp.

Sau đó ông tiếp tục khử mặn đất trong vòng 7 năm và bắt tay trồng thử nghiệm 13 giống lúa ở các khu vực khác nhau. Ông ôm giấc mơ biến mảnh đất này thành nơi sản xuất lương thực nhiều hơn cả Califonia (nơi sản xuất lương thực lớn nhất nước Mỹ).

Năm 1988, khu vực khai hoang Sosan đã lột xác thành mảnh đất nông nghiệp cơ khí hóa với quy mô lớn. Ngoài hiệu quả trực tiếp là mở rộng lãnh thổ và tăng thêm nguồn lương thực, nó còn tạo công ăn việc làm cho khoảng 6,6 triệu người mỗi năm.

Ông đã biến giấc mơ của cha có đất rộng như biển thành hiện thực. Ý tưởng khai hoang mở rộng đất đai và kiến thiết đắp đê chắn thủy triều của Chung Ju-Yung còn được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng.

Con đường kinh tế lấy dân sự làm chủ đạo

Theo Chung Ju-Yung: "Cái gọi là kinh tế dân sự có thể hoàn thành khi tất cả người dân bắt đầu từ Chính phủ và doanh nghiệp tự nhận biết trách nhiệm và vai trò của mình, có ý chí vững vàng để thành công trong việc hiện đại hóa xã hội và kinh tế". Mô hình lấy dân sự làm chủ đạo không phải là doanh nghiệp làm hết việc của Chính phủ, không phải doanh nhân giải quyết công việc của Chính phủ, hay Chính phủ hoàn toàn không can dự vào việc của doanh nhân, nhưng việc Chính phủ can thiệp và tham gia quá sâu vào công việc của doanh nghiệp không phép được tồn tại nữa.

Quản lý toàn bộ nền kinh tế đất nước và lựa chọn chính sách là do Chính phủ thực hiện. Điều chỉnh công nghiệp, xây dựng xã hội chính là chức năng của Chính phủ. Chính vì vậy, Chính phủ không phải chịu trách nhiệm với những doanh nghiệp tiêu cực, cũng chẳng có việc ngân hàng phải lo tiếp nhận hàng loạt các doanh nghiệp tiêu cực. Có vậy kinh tế quốc gia mới phát triển lành mạnh.

Điều quan trọng là Chính phủ đưa ra phương hướng phát triển kinh tế quốc dân, tạo ra dòng chảy hướng tới tương lai, tăng thêm vốn nhà nước, tài sản chung, đường xá, cảng...Việc cần làm là không kể hết.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Website counter