Giacomo Puccini (1858-1924)

Giacomo Puccini sinh ngày ngày 22 tháng 12 năm 1858 tại thành phố Lucca, Italia và là một trong những nhạc sĩ sáng tác opera vĩ đại nhất. Cùng với người anh trai Michele chết trẻ, ông là thế hệ thứ năm trong một gia đình có truyền thống âm nhạc lâu đời có nhiều thành viên là nhạc sĩ chuyên nghiệp.

Puccini sống và làm việc chủ yếu quanh thành phố Lucca xứ Toscana, Italy. Tất cả các thế hệ trong gia đình trước ông đều chơi organ và sáng tác nhạc cho nhà thờ San Martino trong thành phố.

Khi người cha qua đời, cậu bé Giacomo mới 6 tuổi đã phải đảm nhận vai trò đội trưởng đội hợp xướng và chơi organ ở nhà thờ San Martino. Các thành viên trong gia đình kỳ vọng cậu bé Giacomo sẽ tiếp bước con đường của tổ tiên và tiếp tục duy trì truyền thống lâu đời của gia đình. Tuy nhiên, vào một buổi tối năm 1876, khi Giacomo cùng một người bạn đi bộ một quãng đường dài 13 dặm đến thành phố Pisa để xem buổi trình diễn vở opera Aida của Verdi, tất cả đã thay đổi. Từ giây phút ấy, Giacomo biết rằng niềm đam mê đích thực và duy nhất của đời mình sẽ chỉ là opera.

Năm 1880, Puccini hoàn thành khoá học tại học viện Pacini ở Lucca, cùng lúc ông hoàn thành xong tác phẩm Messa di Gloria. Tác phẩm này đã khiến ông bác của Puccini quyết định hỗ trợ Puccini về tài chính trong suốt quá trình học nhạc và mang lại cho ông học bổng của nữ hoàng Margherita. Nhà soạn nhạc trẻ được nhận vào học tại nhạc viện Milan và nhà hát nổi tiếng Teatro alla Scala là môi trường lý tưởng cho tất cả những tài năng sáng tác trẻ. Trong vòng 3 năm từ 1880 đến 1883, Giacomo tiếp tục theo học tại nhạc viện Reale dưới sự hướng dẫn của Bazzani và Ponchielli, tác giả của vở opera La Gioconda. Tại học viện, ông đã sáng tác tác phẩm Capriccio sinfonico, bản nhạc này được dàn nhạc sinh viên trình diễn và đã gặt hái được thành công lớn. Đây là lời tiên đoán cho sự ra đời của những tác phẩm opera là sự kết tinh của xúc cảm mạnh liệt và tài năng tái hiện những cảm xúc ấy trên sân khấu với giai điệu sâu lắng, cách phối âm uyển chuyển.

Khi nhà sản xuất âm nhạc Edoardo Sonzogno lần đầu tiên tổ chức cuộc thi các vở opera 1 màn (Cavalleria Rusticana của Mascagni cũng được phát hiện tại đây vào năm 1889) thì Puccini vẫn còn là sinh viên tại nhạc viện. Ông đã quyết định tham gia cuộc thi với sự khích lệ của Ponchielli, cũng chính Ponchielli đã giới thiệu Giacomo với một nhà báo trẻ tuổi kiêm viết lời cho các vở opera có tên là Ferninando Fontana. Fontana đã đề nghị với Giacomo ý tưởng viết một vở opera dựa trên cốt truyện Le Villi (Phù thuỷ), truyền thuyết về những cô dâu bị nguời tình bỏ rơi, họ đã trở thành bóng ma theo ám ảnh người tình của mình đến chết. Những chủ đề như thế này rất phổ biến ở Italia vào thời điểm lúc bấy giờ, đặc biệt là sau khi những vở opera lãng mạn của nhà soạn nhạc người Đức như Weber và Wagner thời kì đầu được trình diễn. Kết quả của cuộc thi được công bố đầu năm 1884, nhưng Puccini không lọt vào danh sách người thắng cuộc.

Trong một bữa tiệc gồm rất nhiều người có ảnh hưởng trong lĩnh vực âm nhạc, Puccini được mời đến chơi piano và hát các trích đoạn opera. Ông đã biểu diễn thành công và được đánh giá cao, cũng chính nhờ sự kiện này, vở opera Le Villi đã được trình diễn trên sân khấu nhà hát nổi tiếng Teatro dal Verme lần đầu tiên vào ngày 31 tháng 5 năm 1884. Buổi trình diễn đã thành công rực rỡ và kết quả là nhà sản xuất âm nhạc hàng đầu ở Milan, Giulio Ricordi đã yêu cầu mua bản quyền vở opera. Theo lời khuyên của Ricordi, Puccini đã phát triển vở opera thành hai màn. Đồng thời, Ricordi đề nghị Puccini viết một vở opera mới và Fontana vẫn tiếp tục là người sáng tác lời cho vở này. Đây là khởi đầu của sự hợp tác lâu dài giữa Giacomo và Ricordi, Ricordi không chỉ là một người bạn mà còn giống như một người cha của Giacomo, một người có thể mang lại cho ông những lời chỉ bảo sáng suốt. Vở opera mới có tên Edgar, dựa trên vở kịch của Alfred de Musset, một chủ đề được đánh giá là hoàn toàn không phù hợp với tài năng của Puccini. Buổi trình diễn đầu tiên (tại La Scala, Milan vào ngày 25 tháng 4 năm 1889) thất bại thảm hại, Puccini đã phải rút ngắn 4 màn của vở opera xuống còn 3 rồi tiếp tục chỉnh sử lại hai lần nữa vào năm 1901 và 1905 nhưng vở opera vẫn không được công chúng đón nhận. Chính Puccini đã gọi Edgar là “một điều ngớ ngẩn”. Trong suốt thời gian hoàn thành tác phẩm này, Puccini bắt đầu có mối liên hệ mật thiết với Elvira Gemignani, nhưng Gemigani đã kết hôn với một thương gia và có một con trai. Ở Italy thời bấy giờ, phụ nữ vẫn phải tuân thủ nguyên tắc khắt khe của công giáo, nên việc ly hôn là điều không tưởng. Chính vì lý do ấy, chỉ sau khi chồng của Elvira qua đời năm 1904, cả hai mới được phép kết hôn chính thức trong nhà thờ.

Sau khi vở opera Manon của nhà soạn nhạc người Pháp Jules Massenet, dựa trên cuốn tiểu thuyết tự truyện của Abbé Prévest, được trình diễn thành công ở Paris năm 1884, Puccini quyết định chọn đề tài ấy để viết vở opera tiếp theo có tên Manon Lescaut. Đây là lần đầu tiên, Puccini chủ động tham gia viết lời cho tác phẩm của mình cùng 5 người khác; đầu tiên là Leoncavallo, tiếp đó là Praga và Olivia, cuối cùng là Illica và Giacosa cùng với sự góp ý của Ricordi. Đối với Puccini, phần lời của vở opera cũng quan trọng như phần nhạc. Ông cảm thấy cốt truyện và các nhân vật trong vở opera Manon Lescaut đều phù hợp một cách hoàn hảo với năng khiếu của mình, bởi vậy, vở opera này đuợc chuẩn bị công phu với sự đóng góp của nhiều tên tuổi. Manon Lescaut được trình diễn lần đầu tiên ở Turin vào ngày đầu tiên của tháng 2 năm 1893, chỉ trong một đêm, tên tuổi của Giacomo Puccini đã vượt qua biên giới nước Ý và trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới. Trong quá trình hoàn tất Manon Lescaut, ông đã mua một căn nhà ở ngôi làng nhỏ Torre del Lago bên cạnh hồ Massaciùccoli năm 1891. Ông thích đi săn chim và đây là nơi ông sáng tác những vở opera tiếp theo của mình ngoại trừ vở Turandot.

Người viết lời cho 3 vở opera tiếp theo của Puccini: La Boheme, Tosca và Madama Butterfly là Illica và Giacosa. Luôn có sự phân công công việc rõ ràng giữa hai người, Illica phụ trách phần kịch bản và sáng tạo những chi tiết gây ấn tượng mạnh trong khi Giacosa đảm nhiệm phần ca từ. Giữa Giacomo Puccini và hai nhà viết lời đã xảy ra tranh cãi gay gắt, một số lần Giacosa có ý định bỏ cuộc, nhưng cuối cùng, Puccini đã thuyết phục được Giacosa bởi ông biết rõ điều gì là quan trọng nhất trên sân khấu.

Lấy cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết của Prévest, Puccini đã phát triển cảnh lên tàu trong vở Manon Lescaut khiến nó trở thành một cảnh độc nhất vô nhị trong tất cả các vở opera. Puccini tài hoa còn sáng tạo nên những giai điệu xúc động, dễ đi vào lòng người, tạo nên một phong cách Puccini đặc trưng. Không chỉ thế, ông còn nắm vững cách xử lý chất giọng để có thể kết hợp hài hòa và nhịp nhàng với dàn nhạc. Puccini luôn nắm bắt và đi trước một bước những đổi mới của thời đại, Wagner, Debussy và Stravinsky là những tấm gương để ông noi theo. Tất cả những tài năng thiên bẩm ấy đã khiến Puccini trở thành một trong những nhà soạn nhạc quan trọng nhất của Italy sau Verdi. Những vai nữ hầu như quan trọng hơn các vai nam trong các tác phẩm của Puccini, 7 trong số 12 tác phẩm sân khấu của ông được đặt theo tên của các nhân vật nữ.

Vở opera La Boheme lần đầu tiên được trình diễn ở Turin vào ngày 1 tháng 2 năm 1896, La Boheme không gây được ấn tượng mạnh với các nhà phê bình vốn mong đợi một tác phẩm giàu chất lãng mạn như vở Manon Lescaut. Phần lớn nội dung La Boheme mang phong cách opera đối thoại nhẹ nhàng, đề cập đến chủ nghĩa hiện thực. Theo đánh giá của nhiều nhà soạn nhạc hiện đại, đây cũng là một kiệt tác của Puccini. Vở Tosca lần dầu tiên được trình diễn ở Rome ngày 14 tháng 1 năm 1900 là tác phẩm đầu tiên mang phong cách verismo (hiện thực) thuần tuý. Đây là giai đoạn chuyển biến ngắn trong opera Ý được khởi đầu bởi vở opera của Cavalleria Rusticana của Mascagni và vở Pagliacci của Leoncavallo. Verismo là loại hình nghệ thuật chính đối nghịch lại những vở nhạc - kịch mang tính thần thoại của Wagner. Tosca đã bị gọi là một thứ giật gân tầm thường xoàng xĩnh, nhưng trên thực tế, đây là một tác phẩm tuyệt vời và Puccini đã “rót” vào kịch của Sardou một “lượng trữ tình” đáng ngạc nhiên.


Che gelida manina (La Boheme)


Si mi chiamano Mimi (La Boheme)

Trong vở Madama Butterfly (trình diễn tại Milan ngày 17 tháng 2 năm 1904) dựa trên vở kịch một màn của David Balasco theo một truyện trong tạp chí của của John Luther Long, chính bản thân truyện này cũng được sáng tác theo một tai nạn có thật. Puccini hầu như đã hoàn toàn bị tính cách của nhân vật nữ cuốn hút một cách mạnh mẽ. Hình ảnh “người phụ nữ bé nhỏ” mang đậm phong cách của Puccini với xúc cảm mạnh liệt và không gian đẹp nên thơ đã mê hoặc ông. Đây cũng chính là vở opera đầu tiên ông đưa vào những giai điệu dân gian của Nhật Bản, tuy nhiên, buổi trình diễn đầu tiên tại nhà hát La Scala lại thất bại. Sau đó, Puccini đã sửa lại vở opera, cảnh thứ 2 và cảnh cuối cùng được chia làm hai phần đồng thời, ông cũng cắt bớt và thay đổi nhiều đoạn trong tác phẩm. Tháng 5 năm 1904, Madama Butterfly đã gặt hái thành công lớn tại nhà hát Brescia.

Tháng 1 năm 1909, sự kiện cô hầu gái Dora trở nên suy nhược và quẫn trí dẫn đến hành động tự sát khi bị Elvira, vợ Puccini buộc tội là tình nhân với chồng mình một cách bất công đã gây ra một bi kịch gia đình mà hậu quả để lại tác động mạnh đến Puccini, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sáng tạo và niềm đam mê sáng tác của ông trong một khoảng thời gian.

Sau khi hoàn thành vở opera Madama Butterfly, Puccini không muốn theo đuổi loại hình này nữa và muốn thử sức với chất liệu thô ráp và khó khăn hơn như ông đã từng làm với vở Tosca. Ông đã tìm được ý tưởng trong vở kịch La Fanciulla del West của Belasco, đây là vở kịch nói về những người tìm vàng trong cơn sốt vàng ở California năm 1849. Sự pha trộn giữa chủ nghĩa hiện thức nghiệt ngã với tính đa cảm thu hút Puccini và nó được trình diễn lần đầu tiên tại Metropolitan, New York vào tháng 12 năm 1910. Caruso và Destinn đảm nhiệm vai chính dưới sự chỉ huy của Toscanini, La Fanciulla del West được công chúng đón nhận nhưng không được giới phê bình đánh giá cao. Về mặt dàn dựng kỹ thuật, đây là một kiệt tác trong đó Puccini sử dụng giai điệu âm nhạc châu Mỹ, tuy nhiên, lại thiếu sự toả sáng của ngôn từ, đây có lẽ cũng là lý do khiến tác phẩm này ít được biểu diễn bên ngoài Italy. Sau khi Giulio Ricordi qua đời năm 1912, Puccini có những bất đồng quan điểm với Tito, con trai đồng thời là người thừa kế hãng sản xuất nhạc của Giulo. Đây là lý do chính khiến Puccini chấp nhận lời đề nghị viết một vở operetta cho ban giám đốc nhà hát Vienna.

Ông từ chối ngay lập tức chủ đề đầu tiên được gợi ý nhưng lại chấp nhận một chủ đề khác của Giuseppe Adami. Vở operetta có tên La Rondine của Puccini do Adami, một nhà viết kịch trẻ tuổi viết lời được trình diễn tại Monte Carlo ngày 27 tháng 3 năm 1917. Tuy nhiên, trên thực tế, phần lời lơ lửng giữa thể loại opera và operetta đã ngăn cản sức sáng tạo của Puccini, ngoài bản waltz ở màn 2 thì vở La Rondine không có gì đáng chú ý. Nhưng là một người luôn hướng tới sự hoàn hảo, Puccini đã sử dụng tài năng kỹ thuật điêu luyện vào vở operetta như ông vẫn làm với những vở opera khác.

Vở opera tiếp theo của Puccino có tên Il Trittico trình diễn ở New York ngày 14 tháng 12 năm 1918. Ngày 11 tháng 1 năm 1919 tại Rome, Puccini chấp nhận sự sắp xếp của nhà hát Grand Guignol ở Paris mà trong đó ngay trong một tối, một màn gay cấn trong tác phẩm được trình diễn tiếp sau một vở bi kịch tình cảm và kết thúc là một vở hài kịch. Il Trittico là một bộ ba opera một màn, vở thứ nhất có tên Il tabarro do Adami viết lời chuyển thể từ tác phẩm La Houppelande của Didier Gold, trong khi 2 vở còn lại là Sour Angelica và Gianni Schicchi do Giovacchino Forzano viết lời và phát triển thành hài kịch dựa trên vài dòng trong khổ thơ XXX phần Địa ngục trong kiệt tác La Divina Commedia của đại thi hào Danté. Trong bộ ba opera một màn này, vở được trình diễn nhiều hơn cả là Gianni Schicchi, nó đã thể hiện mặt hài hước khá vững chắc trong con người Puccini và được sánh ngang cùng vở Falstaff nổi tiếng của Verdi.



Sau này Il Tabarro được trình diễn một cách độc lập và được chú ý bởi nó thể hiện một bức tranh u ám và đầy kịch tính. Thi thoảng, cả vở Il Trittico cũng được trình diễn trên sân khấu đúng như nguyện vọng của Puccini. Không chỉ muốn dừng lại ở đó, Puccini muốn khám phá những con đường mới, cách thể hiện mới, và kết quả của sự thay đổi này là sự ra đời của vở opera Turandot, lần đầu tiên được trình diễn ở Milano ngày 25 tháng 4 năm 1926. Turandot dựa trên truyền thuyết về Carlo Gozzi được Adami và Renato chuyển thể. Vở opera này hoàn toàn khác biệt với những vở mà Puccini đã từng viết trước đó, đây được coi là kiệt tác vĩ đại nhất của ông, là sự kết hợp giữa Turandot độc ác, Calaf anh hùng, Lìu đầy chất thơ. Cách nhìn nhận nhạy bén trong thể loại opera của Puccini được khẳng định bằng hai tác phẩm La Boheme và Turandot.

Puccini quyết định bắt tay vào Turandot, với mong muốn tạo nên ''kỳ tích''. Trong suốt thời gian sáng tác, ông chuyển đến Viareggio, nhưng đến năm 1923 thì ông phát hiện mình bị ung thư vòm họng. Thời gian trị liệu ở Brussels tưởng đã thành công nhưng trái tim của Giacomo cuối cùng vẫn ngừng đập, để lại vở Turandot còn dang dở. Puccini qua đời ở Brussels ngày 29 tháng 11 năm 1924. 2 cảnh cuối của vở opera Turandot chưa được hoàn thành và được nhà soạn nhạc Franco Alfano viết tiếp dựa trên bản thảo mà Puccini để lại. Trong buổi trình diễn lần đầu tiên vở Turandot (tại La Scala), Toscanini đã hạ đũa chỉ huy của mình xuống khi tới đoạn cái chết của Lìu, đúng chỗ mà Puccini đã viết đến. Buổi tối tiếp theo, vở opera được trình diễn với đoạn kết của Alfano.



Puccini được đánh giá là một trong những nhà soạn nhạc opera vĩ đại nhất của mọi thời đại cùng với Mozart, Verdi và Wagner. Ông được cũng đươc coi là nhà sáng tác thể loại verismo bậc thầy mặc dù một vài vở opera của ông trên thực tế tác phẩm verismo theo khuôn mẫu định sẵn của Mascagni. Phong cách của Puccini chịu sự ảnh hưởng của Verdi, sau đó là Wagner, Debussy và thậm chi là cả Lehár và Stravinsky mặc dù các tác phẩm của ông không hoành tráng được như tác phẩm của Verdi. Puccini đã từng nói: “Tôi chỉ có thể viết nhạc về những điều giản dị”. Nhiều người coi ông là nhà soạn nhạc vĩ đại đứng thứ hai sau Verdi trong số những nhà soạn nhạc người Ý thuộc thế hệ sau Rossini.

Như Nguyên (dịch)


Các vở opera của Giacomo Puccini

* Le Villi, 1884.
* Edgar, 1889.
* Manon Lescaut, 1893.
* La Bohème, 1896.
* Tosca, 1900.
* Madama Butterfly, 1904.
* La fanciulla del West, 1910.
* La rondine, 1917.
* Il Trittico: Il Tabarro, Suor Angelica, Gianni Schicchi, 1918.
* Turandot, chưa hoàn thành vào năm 1924 khi tác giả qua đời, đuợc biểu diễn lần đầu vào năm 1926 với phiên bản do Franco Alfano hoàn thành.

Read more ...

Nhân Văn Giai Phẩm phần thứ IX : Nguyễn Hữu Đang


Nguyễn Hữu Đang và hình bià tập san Giai Phẩm số 1(Ảnh : DR)

Nguyễn Hữu Đang và hình bià tập san Giai Phẩm số 1
(Ảnh : DR)

Là người cộng sản, nhưng Nguyễn Hữu Đang luôn luôn tự do trong hành động và tư tưởng của mình. Ông đã đứng lên lãnh đạo phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, đã tạo được một thời kỳ sôi nổi, trong vòng bốn tháng, trí thức và văn nghệ sĩ, dám nói, dám viết, những điều mình nghĩ, dám chủ trương cải tiến xã hội Việt Nam thành một nước dân chủ theo đà tiến của thế giới bên ngoài.

Nguyễn Hữu Đang là một trong những khuôn mặt trí thức dấn thân tranh đấu cho tự do dân chủ can trường nhất trong thế kỷ XX. Là cột trụ của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, Nguyễn Hữu Đang đã bị bắt, bị cầm tù, bị quản thúc và mất quyền tự do phát biểu trong 59 năm, từ tháng 4/ 1958 đến tháng 2/2007, khi ông mất. Nhiều sự kiện về cuộc đời Nguyễn Hữu Đang đã sáng tỏ hơn, sau khi ông qua đời, một số tư liệu về con người ông đã được phơi bày ra ánh sáng và do đó chúng ta có thể tạm dựng một tiểu sử đầy đủ hơn về người lãnh đạo phong trào Nhân Văn Giai Phẩm.

Nguyễn Hữu Đang sinh ngày 15/8/1913 tại làng Trà Vy, huyện Vũ Tiên, tỉnh Thái Bình. Ông mất ngày 8/2/2007 tại Hà Nội. Theo bản "Tóm tắt quá trình hoạt động xã hội của Nguyễn Hữu Đang" do chính tay ông viết (tài liệu của diendan.org), lúc mười sáu tuổi, Nguyễn Hữu Đang đã tham gia Học Sinh Hội (tổ chức thuộc Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, rồi Đông dương Cộng sản đảng), làm tổ trưởng và đã là đối tượng được kết nạp vào đảng, đó là năm 1929.

Thủ bút của ông Nguyễn Hữu Đang(Nguồn : diendan.org)

Thủ bút của ông Nguyễn Hữu Đang
(Nguồn : diendan.org)

Cuối năm 1930, ông bị bắt, bị tra tấn và bị giam 2 tháng rưỡi tại nhà lao thị xã Thái Bình. Mùa hè năm 1931, bị đưa ra toà, nhưng vì tuổi vị thành niên (trên giấy tờ, rút tuổi, khai sinh năm 1916), cho nên chỉ bị quản thúc tại quê nhà. Từ 1932 đến 1936, Nguyễn Hữu Đang theo học trường sư phạm Hà Nội.

1937-1939: tham gia Mặt trận dân chủ Đông dương. Biên tập các báo của Mặt trận như Thời báo (cùng Trần Huy Liệu, Nguyễn Đức Kính), Ngày mới(cùng Nguyễn Đức Chính, Nguyễn Đức Kính) và các báo của Đảng Cộng sản như Tin tức (cùng Trần Huy Liệu, Phan Bôi), Đời nay (cùng Đặng Xuân Khu tức Trường Chinh, Trần Huy Liệu).

Từ 1938 đến 1945, Nguyễn Hữu Đang hoạt động trong Hội truyền bá quốc ngữ, ở các vị trí: Uỷ viên ban trị sự trung ương, huấn luyện viên trung ương, trưởng ban dạy học, trưởng ban cổ động, phó trưởng ban liên lạc các chi nhánh tỉnh.

1943: Gia nhập đảng Cộng sản Đông dương, bắt đầu liên lạc mật thiết với Tổng bí thư Trường Chinh và thành ủy Hà Nội, nhưng vẫn chưa được chính thức kết nạp vào đảng.

1943-46: Tham gia sáng lập và lãnh đạo Hội Văn hoá cứu quốc, tiếp tục hoạt động chống nạn mù chữ. Mùa thu năm 1944 bị Pháp bắt ở Hà Nội và bị giam một tháng tại Nam Định. Được ra, lại tiếp tục hoạt động cách mạng.

Tháng 8/1945 dự đại hội Tân Trào, được bầu vào Ủy ban giải phóng dân tộc. Tham gia Chính phủ lâm thời mở rộng, cấp bậc thứ trưởng (Bộ truyên truyền). Được cử làm trưởng ban tổ chức ngày lễ tuyên bố độc lập 2/9/1945.

Từ tháng 10/1945 đến tháng 12/1946 giữ các chức vụ: Thứ trưởng bộ Thanh niên, Chủ tịch uỷ ban vận động mặt trận văn hoá. Tổ chức Hội nghị văn hoá toàn quốc lần thứ nhất tại Hà Nội.

Tháng 12/1946 đến tháng 3/1948: Làm trưởng ban tuyên truyền xung phong trung ương.

Năm 1947, được chính thức kết nạp vào Đảng Cộng Sản Đông Dương.

Từ tháng 4/1948, đến tháng 4/49, phụ trách báo Toàn dân kháng chiến, cơ quan trung ương của Mặt Trận Liên Việt.

7/1949 - 10/54: Trưởng ban thanh tra Nha bình dân học vụ.

11/1954 - 4/58: Tổ chức và biên tập báo Văn Nghệ.

Cuối năm 56 đầu năm 57: Tổ chức, lãnh đạo và biên tập báo Nhân Văn. Giúp đỡ tập san Giai Phẩm.

Những dòng trên đây trích theo tài liệu viết tay của Nguyễn Hữu Đang, đã dẫn ở trên. Về hoạt động Nhân Văn Giai phẩm, ông còn chua thêm hàng chữ: "Những hoạt động này là tự ý làm ngoài công tác, vô tổ chức".

Chính thức hoạt động Nhân Văn Giai Phẩm từ tháng 9/1956, với Nhân Văn số 1 (20/9/56), và chấm dứt với Nhân Văn số 6 (chưa ra, đã bị đình bản, tháng 12/56).

Tháng 4/1958 Nguyễn Hữu Đang bị bắt trên đường tìm cách vào Nam. Ngày 19/1/1960, ông bị đưa ra toà cùng với Thụy An, Trần Thiếu Bảo, Phan Tại, và Lê Nguyên Chí.

Phiên tòa tại Hà Nội (19/01/1960) xét xử vụ Nhân Văn Giai Phẩm. Từ trái sang phải: Nguyễn Hữu Đang, Trần Thiếu Bảo, Thuỵ An, Phan Tại và Lê Nguyên Chí.(Ảnh tư liệu : DR)

Phiên tòa tại Hà Nội (19/01/1960) xét xử vụ Nhân Văn Giai Phẩm. Từ trái sang phải: Nguyễn Hữu Đang, Trần Thiếu Bảo, Thuỵ An, Phan Tại và Lê Nguyên Chí.
(Ảnh tư liệu : DR)

Ông bị kết án 15 năm tù, 5 năm mất quyền công dân, vì tội "phá hoại chính trị". Từ Hỏa Lò chuyển lên Yên Bái, rồi đưa lên giam ở Hà Giang. Năm 1973, ông được trả về cùng với Thụy An, theo diện "Ðại xá chính trị phạm trong hiệp định Paris" và bị quản chế ở Thái Bình.

1989, được "phục hồi". 1990 được trả lương hưu và từ 1993, được về sống ở Nghiã Đô, ngoại ô Hà Nội cho đến lúc mất.

Nguyễn Hữu Đang là ai?

Để trả lời câu hỏi này, dĩ nhiên chúng ta không thể bằng lòng với những gì ông đã ghi trong tiểu sử viết tay vừa lược trình trên đây. Bởi những điều được ghi lại, hoặc chính thức công nhận, chưa hẳn đã phản ảnh đầy đủ những gì diễn ra trên thực tế. Ví dụ:

- Hoạt động cách mạng từ năm 16 tuổi, tức là năm 1929, Nguyễn Hữu Đang đã là đối tượng sẽ được kết nạp vào đảng nhưng mãi đến năm 1947, mới được chính thức kết nạp vào đảng. Tại sao?

- Quãng đời 6 năm, từ 1948 đến 1954, về mặt chính thức, ông giữ chức Trưởng ban thanh tra Bình dân học vụ (từ 7/1949 đến 10/1954). Nhưng Nguyễn Huy Tưởng, là bạn thân và hay viết về ông, không ghi dòng nào trong nhật ký về Nguyễn Hữu Đang từ 48 đến 54. Tại sao?

Chúng ta sẽ tìm hiểu và phân tích những vấn đề này, sau, qua lời chứng của Nguyễn Huy Tưởng, Hoàng Cầm và bài buộc tội của Hồng Vân tựa đề"Tên quân sư quạt mo: Nguyễn Hữu Đang" đăng trên Văn Nghệ số 12 tháng 5/58. Bài viết này có nhiều chi tiết về Nguyễn Hữu Đang mà chỉ những người nắm vững hồ sơ mới biết được.

Không được phục hồi quyền phát biểu !

Sau thời kỳ quản thúc ở Thái Bình, được về sống tại Cầu Giấy, ngoại ô Hà Nội, ông vẫn bị "chăm sóc" kỹ càng. Điện thoại của ông, cũng như của các thành viên cựu Nhân Văn đều bị kiểm soát, nhưng riêng ông, ông không được phục hồi quyền phát biểu, tức là không được quyền trả lời phỏng vấn công khai như những người khác.

Sở dĩ có buổi trả lời trên RFI tháng 9/1995 là nhờ sự tổ chức của Lê Đạt: nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Tuyên ngôn Độc Lập 2/9/1945, chúng tôi nhờ nhà thơ Lê Đạt liên lạc để gặp Nguyễn Hữu Đang, qua điện thoại nhà Lê Đạt, để hỏi ông về việc tổ chức ngày lễ Độc Lập, rồi nhân đó, hỏi thêm ông vài câu về chuyện Nhân Văn. Buổi thu thanh duy nhất này, được phát làm hai lần trên RFI, tháng 9/1995 (có thể nghe lại trên http://thuykhue.free.fr). Đó là lần phỏng vấn đầu tiên và cuối cùng. Về sau, không thể liên lạc được với Nguyễn Hữu Đang, mặc dù ông đã có điện thoại riêng, nhưng đường dây luôn luôn bị kiểm soát, chỉ nói được vài câu, là bị cắt ngay.

Vậy sự "phục hồi" ghi trong tiểu sử chỉ là hình thức, vì trên thực tế, Nguyễn Hữu Đang chưa bao giờ được phục hồi quyền phát biểu tự do như một công dân.

Kỷ luật áp dụng cho ông nghiệt ngã hơn tất cả các bạn đồng hành. Lần cuối cùng chúng tôi về Hà Nội mùa thu năm 1997, được ông đến thăm 2 lần, nhưng lần nào cũng do ông Vũ Toàn, người của bộ nội vụ, chở. Ông Vũ Toàn nay cũng đã mất. Trò chuyện với ông, vì có sự hiện diện người của bộ nội vụ, nên không nói được gì. Những điều không thể hỏi ông qua điện thoại, đến khi gặp mặt cũng không sao hỏi được. Bao nhiêu chi tiết muốn ông soi tỏ về những hoạt động, những khúc mắc ngày xưa, về quãng đời tranh đấu truân truyên, vẫn còn nguyên trong bóng tối.

Ông dặn: "Anh em mình sẽ cố gắng làm chung với nhau một số chương trình văn hoá văn nghệ. Chỉ văn nghệ thôi." Ông nói như để trấn an người của chính quyền, nhưng cũng không kết quả. Bởi khi trở lại Paris, chúng tôi đã cố gắng điện thoại nhiều lần để "thực hiện chương trình", nhưng chỉ sau vài câu thăm hỏi là đường dây lại bị cắt, mặc dù đề tài nói chuyện, như đã định trước, chỉ chuyên về văn hóa. Có lần bực quá, ông đã quát lên trong điện thoại: "Chúng ta chỉ nói với nhau những chuyện văn hóa văn nghệ, chứ có làm gì phản dân, hại nước đâu mà chúng nó cũng..." Ôngchưa dứt lời, tiếng điện thoại đã lại u u...

Câu nói dở dang ấy của Nguyễn Hữu Đang, đã gây chấn động trong tôi nhiều năm tháng. Và từ đó đến khi ông mất, tôi không bao giờ điện thoại cho ông, một phần vì không muốn ông bị phiền phức thêm trong cuộc đời quá nhiều thử thách, đớn đau, nhưng còn một lý do nữa là sau này ông bị nặng tai, càng ngày càng nghe không rõ, những người đến thăm ông thường phải bút đàm.

Các cột mốc quan trọng của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm

Các cột mốc quan trọng của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm

Cùng trong Nhân Văn, nhưng về cách đối xử, ông được "biệt đãi" hơn cả, biệt đãi đến phút cuối. Đám tang Văn Cao, Phùng Quán, Trần Dần, Trần Đức Thảo... đều đã được cử hành tương đối trọng thể, dù chỉ để che mắt thế gian. Hoàng Cầm, Lê Đạt còn được đọc điếu văn khóc bạn trước linh cữu Trần Dần. Đến Nguyễn Hữu Đang mọi chuyện khác hẳn:

Tang lễ Nguyễn Hữu Đang cũng được nhà nước cử hành, nhưng mọi sự dường như đều đã toan tính sao cho vừa đủ lệ bộ, trong lặng lẽ, khiến người thân không biết để đến dự. Trước linh cữu ông, hành động Nhân Văn vẫn còn bị chính thức tuyên bố là một "sai lầm".

Chỉ vài giờ sau khi ông mất, chúng tôi đã được tin, cho nên đã kịp thời liên lạc với hai nhà thơ Lê Đạt và Hoàng Cầm để ghi âm những lời tiễn bạn qua điện thoại Paris-Hà Nội.

Riêng nhà thơ Hoàng Cầm hôm ấy, mặc dù tuổi cao, và sau khi bị ngã, chỉ nằm không còn đi lại được nữa, đã muốn nói thật dài về con người Nguyễn Hữu Đang. Hoàng Cầm nói không ngừng, nhưng sau khi thu thanh được gần một tiếng, vì sợ ông mệt, chúng tôi đề nghị tạm ngừng để hôm sau thu tiếp. Nhưng cả ngày hôm sau và hôm sau nữa, không thể liên lạc lại được với Hoàng Cầm, vì đường dây điện thoại Hoàng Cầm - Paris cũng đã bị chặn. Như vậy, tiếng nói của những thành viên Nhân Văn Giai Phẩm, cho đến ngày Nguyễn Hữu Đang mất, 8/2/2007, vẫn còn bị kiểm soát chặt chẽ.

Hoạt động trong hội truyền bá quốc ngữ

Nguyễn Hữu Đang là một trong những người hoạt động rất sớm cho hội Truyền Bá quốc ngữ, nhưng ông không phải là người đầu tiên.

Về cách hoạt động của Nguyễn Hữu Đang trong hội Truyền bá quốc ngữ, Nguyễn Huy Tưởng ghi trong nhật ký ngày 16/6/1942: "Anh Nguyễn hữu Đang xuống làm việc cho Truyền bá quốc ngữ từ hơn hai tháng nay. Anh xin nghỉ ở sở Tài chính (Hà Nội) xuống đây làm việc nghĩa. Đức hy sinh của anh thực không thể nào tả được. Nhờ anh mà phong trào quốc ngữ ở Hải phòng chết đi nay sống lại. Anh như một ông tướng khuyến khích được cả một đạo quân chiến bại. Muốn làm một bài thơ tặng anh ấy".

Nguyễn Hữu Đang có nhiều bút hiệu khác nhau, hiện nay chưa biết rõ ông đã dùng bao nhiêu bút hiệu trong cuộc đời tranh đấu cách mạng, trong thời kỳ Nhân Văn Giai phẩm, vì vậy, việc tìm lại những bài viết của ông không dễ dàng. Ngay cả khi ông viết bài "Người thuyền trưởng" về Nguyễn Văn Tố, khoảng 1988, cũng dưới hai bút hiệu khác nhau: phần đầu ký tên Phạm Đình Thái, phần sau Dương Quang Hiệt, nhiều năm sau mới thu thập lại làm một dưới tên Nguyễn Hữu Đang. (Bài Người thuyền trưởngviết nhân dịp kỷ niệm 50 năm Hội Truyền bá quốc ngữ (1938-1988), đăng trong tập kỷ yếu của Hội, do nhà xuất bản Bộ giáo dục ấn hành, sau này đăng lại trên Diễn Đàn số 78, tháng 10/1998, và diendan.org).

Nhờ những thông tin trong bài Người thuyền trưởng, chúng ta có thể xác định lại nguồn cội của hội Truyền Bá Quốc Ngữ, khác với những gì vẫn được chính thức ghi lại.

Nguyễn Hữu Đang viết: "Mùa hè năm 1938, vào cuối tháng năm, một hôm đọc báo hàng ngày ở một trạm Bưu điện, cách Hà Nội hơn trăm cây số, tôi thấy bài tường thuật buổi cổ động đồng thời cũng là lễ ra mắt của Hội truyền bá quốc ngữ Bắc kỳ ở sân quần vợt Câu lạc bộ thể thao An-Nam (CSA), mấy nghìn người tới dự, có cả đại diện Thống sứ Bắc kỳ, tổng đốc Hà Đông, đốc lý Hà Nội, chủ tịch Chi nhánh Hội nhân quyền Pháp, bí thư Chi nhánh đảng Xã hội Pháp (SFIO), nhiều nhân sĩ Pháp, Nam nổi tiếng, tôi chăm chú đọc." (Trích Người thuyền trưởng, bđd)

Qua nhân chứng của Nguyễn Hữu Đang, một số vấn đề sáng tỏ hơn:

- Hội truyền bá quốc ngữ được chính quyền thuộc địa chính thức công nhận từ đầu (năm 1938).

- Nguyễn Hữu Đang không phải là một trong những người sáng lập Hội như một vài tài liệu đã ghi. Hôm khai mạc hội, ông đang dạy học ở nông thôn, nhưng ít lâu sau, về Hà Nội nghỉ hè tình cờ gặp Đào Duy Kỳ (em trai Đào Duy Anh). Đào Duy Kỳ khuyên ông nên đến Hội Trí Tri, phố Hàng Quạt để nhận việc dạy học giúp Hội.

- Việt Minh tham dự Hội truyền bá quốc ngữ, nhưng Việt Minh không khai sinh ra Hội Truyền bá quốc ngữ, như các khẩu hiệu: "Diệt giặc ngoại xâm ta có chiến dịch Điện Biên Phủ, diệt giặc dốt, ta có chiến dịch Truyền bá quốc ngữ".

- Hội truyền bá quốc ngữ thuộc Hội Trí Tri, do Nguyễn Văn Tố làm hội trưởng. Trong số những thành viên xây dựng Hội, có các trí thức như Hoàng Xuân Hãn, tác giả bài vè: i tờ có móc cả hai...

- Trong những tài liệu chính thức, và cả trong bài viết của Nguyễn Hữu Đang, không thấy nhắc đến vai trò chủ chốt của Hoàng Xuân Hãn trong Hội truyền bá quốc ngữ, điều này cần được nhắc lại ở đây: Hoàng Xuân Hãn là một trong những người đầu tiên chủ trương việc truyền bá quốc ngữ (ngay khi chưa thành hội). Từ năm 1936, khi ông ở Pháp về, ông đã nghĩ ra phương pháp học chữ quốc ngữ, đặt những câu vè để người bình dân dễ thuộc vần quốc ngữ như: o tròn như quả trứng gà, ô thì đội mũ, ơ thì thêm râu...

- Nguyễn Văn Tố làm hội trưởng từ 1938 đến 1945. Nguyễn Hữu Đang cho biết: trong "Bảy năm liền, thuyền trưởng Nguyễn Văn Tố, về căn bản, đã làm tròn nhiệm vụ". Chỉ sau khi Việt Minh lên nắm chính quyền (1945), chính phủ cách mạng lâm thời quyết định thành lập Nha Bình dân học vụđể thay thế Hội truyền bá quốc ngữ; từ đó, vai trò thuyền trưởng của Nguyễn Văn Tố mới chấm dứt.

Xác định lập trường văn hoá

Những bài viết của Nguyễn Hữu Đang, trên ba số đầu của báo Tiên Phong (báo của Hội Văn Hoá Cứu Quốc, ra năm 45-46, được 24 số, do Lại Nguyên Ân và Hữu Nhận sưu tầm, nxb Hội Nhà Văn, 1996), gồm có:

- Định nghiã hai chữ văn hoá (viết chung với Đặng Thai Mai), Trở lực của văn hoá dưới ách đế quốc (Tiên Phong số 1, ra ngày 10/11/45)

- Hội nghị văn hoá toàn quốc và nền độc lập Việt Nam (Tiên Phong số 2; 1/12/45)

- Nhận rõ thêm về ý nghiã hai chữ văn hoá: văn hoá tức là... và Hội nghị văn hoá toàn quốc sẽ tổ chức như thế nào (Tiên Phong số 3; 16/12/45).

Đó là những bài viết ngắn xác định lập trường văn hoá của Nguyễn Hữu Đang: Từ 1945, lập trường này đã khác biệt với lập trường của Trường Chinh, trong bài Đề Cương Văn Hoá Việt Nam (được coi là văn bản lịch sử của đảng Cộng Sản từ năm 1943, in lại trên Tiên Phong số 1).

Trường Chinh chủ trương: "Nền văn hoá mà cuộc cách mạng văn hoá Đông Dương phải thực hiện sẽ là văn hoá xã hội chủ nghiã"

Nguyễn Hữu Đang, trong những bài viết trên đây, đã xác định đường lối hoạt động và lập trường văn hoá của Hội Văn Hoá Cứu Quốc, nhưng không hề đả động gì đến xã hội chủ nghiã, và ông coi việc xây dựng văn hoá là xây dựng đời sống tinh thần của con người, đi đôi với công cuộc đấu tranh chống áp bức, nô lệ.

Vị thế chính trị, văn hoá và tư tưởng độc lập của Nguyễn Hữu Đang

Nguyễn Huy Tưởng bộc lộ sự thán phục Nguyễn Hữu Đang trong nhật ký, như sau: "Nghe Đang nói chuyện, tự thẹn. Anh đã biểu lộ ngay từ bé một tính cách đặc biệt, hùng hổ và ngang tàng. Không sợ, khinh quyền thế, biến báo giỏi, biết thân phận mình, tin ở tài mình, đó là những tính cách của một người giỏi". (Nhật ký ngày 30/7/1942)

Năm 1945, là năm Nguyễn Hữu Đang hoạt động mạnh, về mặt chính trị, ông được chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho trọng trách tổ chức ngày lễ Độc Lập ở Ba Đình; về mặt văn hóa, ông chủ trương tạp chí Tiên Phong cùng Đặng Thai Mai.

Vị thế chính trị và văn hóa của Nguyễn Hữu Đang, từ 1945 đến 1947 lên rất cao, và điều này được Nguyễn Huy Tưởng xác định trong nhật ký:"Chuyện Tham Ý. Phục các cán bộ Việt Minh (...) Phục Đang. Hỏi thầm một người: Có phải là cánh tay phải của cụ Hồ không? Băn khoăn không biết bây giờ Đang về khu này thì phải vào chức gì cho xứng? Theo ý anh tham biện ấy, thì ở đây không có một chức gì cao hơn để Đang làm cả, vì Đang trên cả uỷ ban kháng chiến" (ngày 15/11/1947)

Bài Định nghiã hai chữ văn hóa cho thấy những nhận thức của Nguyễn Hữu Đang về văn hóa, thấy mối tương giao của ông với những nhà văn hóa đương thời như Nguyễn Đức Quỳnh (trốt-kít), Đào Duy Anh. Sự giao thiệp với các trí thức trong nhóm Hàn Thuyên đã gây khó khăn cho ông, nhưng có lẽ cũng nhờ những mối tương giao này, mà khi ra cầm đầu NVGP, ông đã được sự ủng hộ nhiệt thành của những nhà trí thức như Đào Duy Anh, Trương Tửu.

Báo Văn Nghệ số 12 với những lời "thú nhận" của Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần và Phùng Quán

Báo Văn Nghệ số 12 với những lời "thú nhận" của Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần và Phùng Quán

Qua lời buộc tội của Hồng Vân trong bài "Tên quân sư quạt mo: Nguyễn hữu Đang", chúng ta có thể hiểu rõ nguyên nhân tại sao ngay từ năm 1929 (16 tuổi), ông đã được coi là "đối tượng kết nạp" mà mãi đến năm 1947, ông mới được kết nạp vào đảng, rồi ông bỏ đảng khoảng một năm sau khi được kết nạp, Hồng Vân viết:

"Khi phân công Nguyễn Hữu Đang đi vận động nhóm Hàn Thuyên, thì hắn trở về mang theo cái chủ trương cần dựa vào Nhật của bè lũ tờ-rốt-kít".

"Bất mãn với đoàn thể Văn Hóa Cứu quốc và nhân cơ hội Đảng chủ trương mở Đại hội văn hóa toàn quốc, Nguyễn Hữu Đang xin ra lập ban vận động Đại hội văn hóa toàn quốc".

"Nguyễn Hữu Đang tự động làm mọi việc không thảo luận gì với anh em, không xin chỉ thị của Đảng. Nguyễn Hữu Đang liên hệ với người này người khác, không cần biết thái độ chính trị ra sao. Công việc đương tiến hành thì kháng chiến bùng nổ."

"Đang tổ chức thanh niên xung phong rất quy mô và tiêu tốn rất nhiều tiền (...) không quỹ nào cung cấp cho đủ. Tổ chức thanh niên xung phong của Đang phải giải tán. Nguyễn Hữu Đang lại được Đảng điều động về làm Thanh tra Bình dân học vụ".

"Đang tham gia phong trào đã lâu, nhưng vì đầu óc vô chính phủ và tư tưởng cơ hội nặng nề như vậy cho nên đến năm 1947 mới được kết nạp vào Đảng. Nhưng rồi công không thành danh không toại, Đang sinh ra chán nản. Cơ quan Bình Dân học vụ dọn lên Việt Bắc. Đang ở lại Thanh Hoá làm "quân sư" cho nhà xuất bản Minh Đức (...) Từ ngày đó, Nguyễn Hữu Đang đã tự ý bỏ cơ quan và cũng từ ngày đó Đang đã xa rời hàng ngũ của Đảng. Khoảng năm 1951 thì Đảng cắt đứt sinh hoạt của Đang. Từ đó, khi Cầu Bố, khi Hậu Hiền, Đang luôn luôn chửi Đảng, chửi cách mạng".(Hồng Vân, bđd)

Năm 1947 Nguyễn Hữu Đang được kết nạp vào đảng, và theo Nguyễn Huy Tưởng, thì năm 1947, ông vẫn còn được coi là nhân vật quan trọng nhất nhì bên cạnh chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng trong suốt thời gian từ 1929 đến 1947, Nguyễn Hữu Đang không được kết nạp vào đảng, vì sao? Hồng Vân đã trả lời: "Vì đầu óc vô chính phủ".

Ảnh chụp ông Nguyễn Hữu Đang vào tháng 9 năm 1997.(Ảnh : DR)

Ảnh chụp ông Nguyễn Hữu Đang vào tháng 9 năm 1997.
(Ảnh : DR)

Sự thực, Nguyễn Hữu Đang không phải là người chịu tuân thủ một đường lối, một chính sách vạch sẵn, nghĩ hộ, ông có đường lối riêng: Tuy theo cách mạng, nhưng ông luôn luôn độc lập, không tuân chỉ thị, không nhận đường lối văn hoá xã hội chủ nghiã, ông tự do giao tiếp với những nhà trí thức trong các nhóm chính trị và tư tưởng ngoài đảng, hoặc chống đảng.

Bất đồng ý kiến với Trường Chinh

Vào đảng năm 1947, Nguyễn Hữu Đang đã bỏ đảng từ năm nào? Trong bài phỏng vấn trên RFI, ông cho biết là từ lớp chỉnh huấn [lớp đầu tiên năm 1948], ông biết mình bị liệt vào thành phần trí thức tiểu tư sản, và từ đấy ông có ý tưởng xin ra đảng.

Theo bài của Hồng Vân, thì Nguyễn Hữu Đang bỏ hoạt động từ khi cơ quan Bình dân học vụ dọn lên Việt Bắc. Như vậy, cần xem lại: Cơ quan Bình dân học vụ dọn lên Việt Bắc năm nào? Nhưng có lẽ đây cũng chỉ là cái cớ Nguyễn Hữu Đang đưa ra để ngừng hoạt động.

Bởi vì theo lời Hoàng Cầm thuật lại thì: "Vào khoảng tháng 7 năm 48, có Đại hội văn hóa toàn quốc do ông Trường Chinh đề xướng và làm chủ tịch. Hội nghị văn hóa toàn quốc được tổ chức để động viên và hướng dẫn trí thức và văn nghệ sĩ chuẩn bị đi sâu vào cuộc kháng chiến (...) Tức là lúc bấy giờ hội nghị mới đề ra văn nghệ kháng chiến. (...) Sau hội nghị đó, không hiểu vì lý do gì anh Đang không làm công tác kháng chiến nữa, anh về Thanh Hóa, ở nhà người bạn là anh Trần Thiếu Bảo, giám đốc nhà xuất bản Minh Đức (...) Mãi sau này, hòa bình rồi, về Hà Nội tôi cũng chỉ nghe phong phanh anh em bàn tán thôi chứ hỏi anh Đang thì anh cũng không nói, là hình như trong hội nghị văn hóa toàn quốc, anh Đang có mâu thuẫn về đường lối văn nghệ, văn hóa với ông Trường Chinh. Do mâu thuẫn không giải quyết được, cho nên anh Đang không làm việc nữa, anh nghỉ. Anh về Thanh Hóa" (Hoàng Cầm trả lời phỏng vấn RFI).

Nhưng theo bản tường trình của Xuân Diệu về Hội nghị văn nghệ toàn quốc, thì Nguyễn Hữu Đang không đi dự hội nghị này. Như vậy, mối bất đồng giữa Trường Chinh và Nguyễn Hữu Đang mà Hoàng Cầm nhắc đến,đã xẩy ra trước hội nghị văn nghệ toàn quốc cho nên Nguyễn Hữu Đang mới không đi dự. Sự bất đồng ý kiến về lập trường văn hoá, như chúng ta đã thấy trên báo Tiên Phong, năm 1945-46, và đã kéo dài trong suốt thời kỳ kháng chiến, của một người làm chính trị, sử dụng văn hoá để phục vụ tuyên truyền như Trường Chinh và một người làm chính trị nhưng tôn trọng văn hoá như một sản phẩm tinh thần, cần tự do để có thể phát triển, như Nguyễn Hữu Đang.

Dù sao chăng nữa, nhiều tư liệu đều đồng quy ở một điểm: từ năm 1948, Nguyễn Hữu Đang không còn theo cách mạng nữa.

Hoạt động trở lại

Vẫn theo lời Hoàng Cầm, sau khi hòa bình lập lại, Trường Chinh bàn với Tố Hữu rằng anh Đang đã lâu lắm không làm gì, vậy nên mời anh ấy ra hoạt động lại. Điều này phù hợp với việc Nguyễn Huy Tưởng mời Nguyễn Hữu Đang về báo Văn Nghệ (như lời chứng của Lê Đạt trên RFI và như Nguyễn Huy Tưởng ghi trong nhật ký).

Như vậy, trái với những gì ghi trong tiểu sử chính thức, trong 6 năm, từ 48 đến 54, Nguyễn Hữu Đang đã ngừng mọi hoạt động với chính quyền cách mạng. Ông giúp Trần Thiếu Bảo điều hành nhà xuất bản Minh Đức, tổ chức in lại những sách giá trị thời tiền chiến, đã bị cách mạng lên án, hoặc cấm lưu hành, của Vũ Trọng Phụng, Khái Hưng, v.v...

Năm 1954, khi Tố Hữu chính thức mời ông về hoạt động trở lại, vẫn theo lời Hoàng Cầm, Nguyễn Hữu Đang đã từ chối chức Giám Đốc Sở Văn Hoá Thông Tin Hà Nội, và yêu cầu được làm biên tập viên báo Văn Nghệ (cùng với Lê Đạt).

Về thời kỳ này, Nguyễn Huy Tưởng ghi trong nhật ký:

"Nguyễn Hữu Đang tiêu cực. Ở đâu cũng thấy không vừa ý. Người có caractère, ở đâu cũng có ảnh hưởng đến anh em. Anh em toà soạn[báoVăn Nghệ] khen là chí công, vô tư, nhưng tư tưởng rất là nguy hiểm. Một điển hình của một chiến sĩ làm cách mạng bất mãn" [Nhật ký ngày 21/4/55].

"Đầu óc nặng vì bài Đang công kích thuế. Hữu khuynh" [Nhật ký ngày 24/4/1955]

"Học tập tình hình và nhiệm vụ. Đang không học tập. Đúng hôm góp ý kiến cho Tiểu ban thì đến. Đặc biệt đả kích mình [Nguyễn Huy Tưởng]: (đã) in Gốc đa, Gặp Bác, v.v..." [Nhật ký ngày 23/6/1955].

Sự trở lại của Nguyễn Hữu Đang gây khó khăn cho những người lãnh đạo văn nghệ, kể cả những người bạn thân.

Tổ chức lớp học 18 ngày

Trong thời gian này, Nguyễn Hữu Đang tổ chức lớp học tập dân chủ 18 ngày (từ 8/8 đến 26/8/56) và trong ngày cuối, ông đã đọc một bài tham luận "nảy lửa" chỉ trích những sai lầm của đảng và của lãnh đạo văn nghệ. Trương Tửu đánh giá bài tham luận của Nguyễn Hữu Đang: "sự việc thực là cụ thể, lời lẽ thực là tha thiết". Hoàng Cầm cho rằng tinh thần nêu những thắc mắc, có từ kháng chiến, tích tụ lại và bùng nổ lên trong lớp học này.

Lê Đạt kể lại: "Trong cuộc học tập này, anh em phê phán văn nghệ rất nhiều, trong đó nổi bật lên vai trò của anh Nguyễn Hữu Ðang (...) Trong buổi học tập văn nghệ đó, anh Ðang có đọc một bài tham luận rất hùng hồn về những sai lầm của lãnh đạo văn nghệ. Lúc đó Ðang có nói một câu với Nguyễn Ðình Thi -Nguyễn Ðình Thi lúc ấy là một trong những người chịu trách nhiệm tờ Văn Nghệ- Ðang nói rằng: "Thế nào tao cũng ra một tờ báo, tờ báo chưa biết tên là gì, tao thì không làm được nhưng để cho bọn Giai Phẩm Mùa Xuân nó làm".(...) tờ báo này chính là tờ Nhân Văn". (Lê Đạt trả lời phỏng vấn RFI).

Nguyễn Huy Tưởng ghi lại không khí lớp học 18 ngày, trong nhật ký, như sau:

"Nguyễn Hữu Đang nổi lên. Tiếc rằng kéo anh ta về văn nghệ để làm rầy rà mình. Chính người chửi mình nhất là Nguyễn Hữu Đang" [ngày 21/8/56].

Những bực mình và dằn vặt của Nguyễn Huy Tưởng, càng làm rõ tấm lòng và nhân cách của ông: Mặc dù không đồng ý với Nguyễn Hữu Đang, bị Đang chỉ trích nặng nề, nhưng sau này, ông là người duy nhất trong ban lãnh đạo văn nghệ đã đứng ra bênh vực Nhân Văn, như Lê Đạt thuật lại và ông cũng ghi trong nhật ký: đã phản ảnh lên Trường Chinh về vụ Nhân Văn, nhưng vô hiệu.

Nhân Văn Giai Phẩm

Vai trò chủ động của Nguyễn Hữu Đang trong phong trào NVGP đã được xác nhận từ nhiều phía:

Những người trong ban biên tập báo Nhân Văn như Lê Đạt, Hoàng Cầm, Trần Duy đều xác nhận vai trò chủ chốt của Nguyễn Hữu Đang. Trần Dần ghi trong bài "thú nhận": "Nếu không có Đang, không ai có thể tập hợp anh em được. Sẽ không có tham luận với những đề nghị: gặp Trung ương, ra báo... mà cũng sẽ không có tờ Nhân Văn".

Trang bià tập sách phê phán phong trào Nhân Văn Giai Phẩm(Ảnh : DR)

Trang bià tập sách phê phán phong trào Nhân Văn Giai Phẩm
(Ảnh : DR)

Về phía buộc tội, Nguyễn Hữu Đang được coi là lãnh tụ, "đầu sỏ". Mạnh Phú Tư viết:

"Hắn lẩn mình và... rút lui vào bí mật. Suốt bốn số báo đầu, người ta không thấy một bài nào ký tên Nguyễn Hữu Đang! (...)

Người ta không thấy tên tuổi Nguyễn Hữu Đang trên những số đầu báo Nhân Văn, nhưng chính hắn là linh hồn của tờ báo. Hắn tìm tiền, kiếm giấy, thu xếp việc ấn loát và viết bài nhưng lại ký tên người khác. Hắn che lấp những nguồn tài chính, những kẻ cung cấp phương tiện bằng hình thức dối trá là nêu danh những người góp tiền in báo có một nhân lên gấp mười! Hắn họp hành bí mật với một số nhà văn chống Đảng, với những người tư sản và trí thức cũng đang muốn lợi dụng thời cơ để phất lên lá cờ chính trị. Hắn luôn luôn bàn mưu, lập kế với bọn Trương Tửu v.v... Hắn có tay chân trong một hai đoàn kịch tư nhân, ở một vài cơ quan văn hoá của Nhà nước. Thông qua tờ báo Nhân Văn, hắn đã trở thành một thứ lãnh tụ của một bọn người cơ hội, có âm mưu chính trị... ". (Mạnh Phú Tư, Báo Độc Lập, số 356, ngày 24/4/1958, in lại trong BNVGPTTADL, trang 49-50).

Là người làm chính trị, Nguyễn Hữu Đang đã tìm đúng thời cơ: Trong nước, vị thế của Trường Chinh và đảng Cộng sản yếu đi sau những sai lầm quan trọng trong Cải cách ruộng đất; ngoài nước, việc hạ bệ Staline ở đại hội XX của đảng cộng sản Liên Xô, là những lực đẩy khuynh hướng tranh đấu cho tự do dân chủ có cơ hội hành động. Nguyễn Hữu Đang, với tài tổ chức và hùng biện trong lớp học 18 ngày, đã chiếm được lòng tin của giới trí thức và văn nghệ sĩ cấp tiến. Ông nắm lấy cơ hội, đứng ra tổ chức Nhân Văn Giai Phẩm với những người bạn cùng chí hướng từ trong kháng chiến như Trương Tửu và Trần Thiều Bảo; và Lê Đạt, Hoàng Cầm, chủ trương tạp chí Giai phẩm mùa xuân.

Tuy không có nhiều bài ký tên thật, nhưng dấu ấn của ông không thiếu trên báo Nhân Văn:

- Những bài phỏng vấn Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Đặng Văn Ngữ về vấn đề dân chủ, có thể hoàn toàn do Nguyễn Hữu Đang thực hiện (Nguyễn Mạnh Tường xác nhận là chính Nguyễn Hữu Đang mời ông trả lời phỏng vấn).

- Trong Nhân Văn số 1, có bài tựa đề: "Thuốc đắng dã tật, nói thật mất lòng" ký tên XYZ. Rất ít người biết XYZ là một trong những bút hiệu của Hồ Chí Minh. Chúng ta có thể đoán chắc bài này do Nguyễn Hữu Đang viết (Lê Đạt chưa tham dự việc biên tập NV số 1). Trong bài này, tác giả dùng giọng của ông Hồ để "giáo huấn" cán bộ. Vừa vinh thăng vừa giễu cợt vị chủ tịch, có lẽ chỉ một mình Nguyễn Hữu Đang là dám làm trong thời điểm ấy.

- Bài "Chúng tôi cực lực phản đối luận điệu vu cáo chính trị - Trả lời bạn Nguyễn Chương và báo Nhân Dân", trên Nhân Văn số 2, ký tên Hoàng Cầm, Hữu Loan, Trần Duy, do Nguyễn Hữu Đang viết (theo Trần Duy). Bài này xác định biệt tài bút chiến của Nguyễn Hữu Đang. Ông trả lời từng điểm sự buộc tội Nhân Văn của báo Đảng, với một lập luận châm biếm, sắc bén, không nhân nhượng. Chứng tỏ trong thời kỳ Nhân Văn, đã có những bài viết trực tiếp đương đầu với những luận điểm chính quy của đảng cộng sản.

- Bài Cần phải chính quy hơn nữa, trên Nhân Văn số 4, là bài xã luận đầu tiên Nguyễn Hữu Đang ký tên thật. Trong bài này, ông xác định lập trường chính trị của nhóm Nhân Văn và công khai đòi tự do dân chủ, đòi thiết lập một nhà nước pháp trị.

- Bài "Hiến pháp Việt nam năm 1946 và hiến pháp Trung hoa bảo đảm tự do dân chủ thế nào? trên Nhân văn số 5, ký tên thật, mạnh hơn nữa, ông đòi tự do dân chủ phải được thể hiện trên hiến pháp và trên thực tế, đòiquyền sống tự do của con người trong một chính thể dân chủ, một nhà nước pháp quyền.

Nguyễn Hữu Đang là một khuôn mặt chính trị, văn hoá và đấu tranh, hiếm có trên chính trường Việt Nam dưới chế độ cộng sản. Một người theo đảng từ lúc 16 tuổi, hiểu rõ hơn ai hết quy luật tuân thủ của một cán bộ cộng sản. Nhưng ông đã đi ra ngoài trật tự ấy. Nguyễn Hữu Đang luôn luôn giữ vị trí tự do trong hành động cũng như tư tưởng của mình. Chính trong tư thế tự do ấy, ông đã đứng lên lãnh đạo phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, đã tạo được một thời kỳ sôi nổi, trong vòng bốn tháng, trí thức và văn nghệ sĩ, dám nói, dám viết những điều mình nghĩ, dám chủ trương cải tiến xã hội Việt Nam thành một nước dân chủ theo đà tiến của thế giới bên ngoài.

Nhưng Nguyễn Hữu Đang đã thất bại. Sự thất bại của Nguyễn Hữu Đang cũng là sự thất bại chung của một dân tộc. Và hậu quả kéo dài đến ngày nay: nước Việt là một trong những nước cuối cùng, ở thế kỷ XXI, vẫn còn chưa biết nhận diện, để đòi hỏi những quyền cơ bản và tất yếu nhất của con người, đầu tiên là quyền tự do tư tưởng.

Hết phần thứ IX

Read more ...

Website counter