Feelings

Read more ...

Bác ái trong chân lý (quan điểm Công giáo)


Dẫn nhập



Chân lý là gì? Tìm chân lý ở đâu?



Bác ái là gì?



Bác ái trong chân lý muốn nói điều gì?



Bác ái trong tương quan đời sống gia đình

Read more ...

Dòng nhạc soul : tìm lại cội nguồn



Ray Charles, một trong 4 gương mặt thuộc hàng Tứ quý của nhạc Soul
Ray Charles, một trong 4 gương mặt thuộc hàng Tứ quý của nhạc Soul
Tuấn Thảo
Trên thị trường băng đĩa, vào lúc các thể loại pop rock, RnB hip hop, electro điện tử thống trị làng nhạc quốc tế, thì một số nghệ sĩ tiếp tục duy trì dòng nhạc soul. Tiêu biểu nhất là các album gần đây của Seal, Angie Stone, Alicia Keys, Mary J Blige, Lisa Stansfield và Mick Hucknall, ca sĩ chính của nhóm Simply Red.


Giai đoạn cực thịnh của dòng nhạc soul là giữa những năm 1970, nhưng thể loại này đã manh nha từ hai thập niên trước đó, vì nó kết hợp ảnh hưởng của dòng nhạc gospel (Phúc âm) và rythm and blue. Nếu như các bản nhạc soul thường có giai điệu du dương, phần hoà âm phối khí được soạn kỹ, thì quan trọng hơn cả vẫn là chất giọng của người hát : kỹ thuật chuyển âm điêu luyện, cách thể hiện đầy ngẫu hứng. Người trình bày càng có nhiều kinh nghiệm từng trải trong cuộc sống cá nhân, thì cách diễn đạt của họ càng nhập tâm và có hồn.

Tạp chí Ebony gần đây đã tổ chức một cuộc thăm dò ý kiến độc giả để bình chọn những giọng ca xuất sắc nhất làng nhạc soul. Kết quả cho thấy là trong số 10 tên tuổi về đầu trên danh sách này, có hai nhóm trứ danh của hãng đĩa Tamla Motown ở thành phố Detroit : đó là hai ban nhạc The Temptations và The Supremes. Các giọng ca nam như Sam Cooke, Jackie Wilson, Al Green, các giọng ca nữ như Tina Turner hay Gladys Knight đã tạo ra một phong cách thể hiện sinh động, khác hẳn với lối hát truyền thống của nhạc soul trong giai đoạn sơ khai. Về phần mình, Stevie Wonder là người đầu tiên đã đưa nhạc khí điện tử (synthesizer) vào dòng nhạc này, sáng tác của anh giàu tính thể nghiệm nhờ giai điệu đa tầng hợp âm. Trên bảng vàng của Ebony, có 4 gương mặt được liệt vào hàng Tứ Quý (Aretha Franklin – Ray Charles – James Brown – Marvin Gaye) vì mỗi người đã làm giàu nhạc soul khi kết hợp thể loại này với ảnh hưởng của các dòng nhạc khác.

Trong trường hợp của Ray Charles, các bản nhạc mang dấu ấn sâu đậm của rythm and blue, chuyên sử dụng những phân đoạn ngắn được lặp đi lặp lại nhiều lần, tạo ra trong nhạc nền một nhịp điệu căn bản, để cho Ray Charles tha hồ mà biến tấu, tung hoành theo ngẫu hứng. James Brown thì xứng đáng với mệnh danh Bố già của làng nhạc soul, khi cộng hưởng với dòng nhạc funk, giai điệu vẫn quyến rũ du dương, nhưng đầy nam tính nhờ nhịp điệu rắn chắc cứng cỏi. Về phần mình, Marvin Gaye với lối hát biểu cảm mơn trớn, lại tiêu biểu cho trường phái Philadelphia, tạo ra những âm sắc mềm mại mượt mà, còn được gọi là philly sound. Marvin Gaye sau đó đã mở đường cho nhiều giọng ca crooner của làng nhạc soul, điển hình là Barry White mà nhiều người sau đó thường nói đùa rằng : chỉ cần nghe tiếng nhạc trổi lên, là người ta lại nghĩ đến chuyện chăn gối, với Marvin Gaye nhạc soul không chỉ để diễn tả thổn thức của tâm hồn mà còn để nói lên tất cả những cung bậc cảm xúc của tình yêu xác thịt (Sexual Healing). Đâu đó nhạc soul xuất phát từ tâm hồn, nhưng lại học hỏi từ sự trải nghiệm của dục vọng xác thịt (the soul learns from the flesh).

Trong 4 cây đại thụ, giọng ca thiên phú của nữ hoàng Aretha Franklin được xếp vào hạng đầu. Xuất thân từ các ca đoàn nhà thờ chuyên thể hiện dòng nhạc phúc âm, Aretha Franklin có cái biệt tài hớp hồn khán giả mỗi khi xuất hiện trên sàn diễn. Lối thể hiện của ca sĩ này phóng khoáng điêu luyện đến mức xuất thần. Aretha Franklin không đơn thuần ca hát mà lại thả hồn vào nốt nhạc, chết đi trong mỗi nhịp chớp mắt, để rồi sống lại từng giai điệu khoảnh khắc. Không phải ngẫu nhiên mà Aretha Franklin sau khi được tạp chí Rolling Stones bình chọn làm Giọng ca hay nhất mọi thời đại, nay lại được trao tặng cái biệt danh Huyền thoại sáng chói nhất dòng nhạc soul.

Do ảnh hưởng của gospel, nên khá nhiều ca khúc nhạc soul nổi tiếng đã được chuyển thể từ phúc âm. Khác biệt rõ nhất nằm ở trong ca từ, vì hầu hết các bài gospel là nhằm ngợi ca niềm tin nơi Đức Chúa. Một khi được cải biên thành nhạc soul, các bài hát phản ánh đời thường nhiều hơn là cuộc sống tâm linh, và đôi khi lời thanh lại tiềm ẩn nghĩa tục. Các ca sĩ như Ray Charles (Georgia in my mind), Percy Sledge (When a man loves a woman), Otis Redding (Sitting on the dock of the bay) đều đã từng chuyển thể gospel và một trong những trường hợp tiêu biểu nhất là bài Stand by me của Ben E. King, gợi hứng từ một bản nhạc phúc âm, sáng tác vào đầu thế kỷ 20 ( nói chính xác hơn là bài được sáng tác năm 1905, ghi âm lần đầu năm 1916). Phiên bản mới nhất của bài này do ca sĩ Seal thể hiện, bài được trích từ album gần đây nhát của anh mang tựa đề Soul.

Từ giai đoạn manh nha cho đến khi thành hình, nhạc soul hầu như lúc nào cũng được xem như là sở trường của người da đen, nhưng với thời gian đã cho ra đời các giọng ca soul da trắng. Đó là trường hợp của Joss Stone, Robin Thicke và Lisa Stansfield. Kết hợp với các phong trào thời nay, các nghệ sĩ này khi thì chuyển sang dòng nhạc urban pop, lúc thì sáng tác theo trường phái Nu soul, giữ nguyên cốt cách nhưng làm mới trong cách hòa âm phối khí. Gương mặt nổi trội hơn cả là Mick Hucknall, ca sĩ chính của ban nhạc người Anh Simply Red. Nhạc phẩm Holding back the years do chính anh sáng tác nói về những mãnh vỡ trong tâm hồn của một người đàn ông. Một vết thương thầm kín có từ thuở ấu thơ vì bị người mẹ bỏ rơi khi anh vừa lên ba. Còn trong bài If you don’t know me by now, anh lấy lại một ca khúc nổi tiếng của ca sĩ Harold Melvin hát với nhóm Blue notes. Nhờ vào chất giọng thiên phú mà phiên bản của anh hay hơn nhiều so với nguyên tác.

Nhắc đến nhạc soul, nhiều chuyên gia thường hay dùng nghịch dụ, mô tả dòng nhạc này như một cơn bão nhẹ nhàng, một niềm vui cay đắng. Các giai điệu mượt mà bóng bẩy nhưng lại thể hiện những tình cảm mãnh liệt âm thầm, những mạch ngầm nhức nhối trong nội tâm. Tạp chí Ebony ghi nhận là trong số các huyền thoại của làng nhạc soul, có nhiều gương mặt bất hạnh từ tuổi thơ, Stevie Wonder hay Ray Charles khiếm thị không phải do bẩm sinh mà do xuất thân từ các gia đình nghèo, thiếu chăm sóc khi lâm bệnh. Marvin Gaye hay Otis Redding đều chết bất đắc kỳ tử. Hoàn cảnh nghèo khổ khó khăn, dễ dẫn đến ngục tù, phạm pháp, nghiện ngập thường được thấy ở các nghệ sĩ sinh trưởng ở các tiểu bang miền nam Hoa Kỳ, trước khi có phong trào chống kỳ thị chủng tộc và đòi quyền bình đẳng cho người đa đen. Nhưng có lẽ trong dấu ấn của nỗi bất hạnh truyền kiếp đó, lại thăng hoa rất nhiều tài năng hiếm thấy trong làng âm nhạc.

Nếu không có sự trải nghiệm bản thân, thì tài năng của một số ca sĩ nhạc soul chỉ dừng lại ở chỗ phô diễn điêu luyện kỹ thuật, luyện thanh nhuần nhuyễn. Nhiều ca sĩ trẻ thời nay tiếp tục duy trì ảnh hưởng của dòng nhạc này, nhưng chỉ với sự chiêm nghiệm thấm thía, thì họ mới tìm lại được một cách trọn vẹn cội nguồn của nhạc soul, chỉ thật sự mãnh liệt khi nhức nhối con tim, đau nhói tâm hồn.

Read more ...

Website counter