The Reader: Chiến tranh và mặc cảm tội lỗi

Kate Winslet và Ralph Fiennes, hai diễn viên chính trong phim The Reader

Trong bộ phim cũng như trong tiểu thuyết The Reader, điều bí mật ghê gớm nhất là người dân Đức đã để xảy ra vụ diệt chủng, mà các thế hệ đương thời, cũng như mai sau, không tài nào lý giải nguyên nhân hoặc tha thứ

Một mùa hè tươi sáng.

Một mối tình rạo rực đam mê.
Hai định mệnh mà Chiến tranh và Hoà bình trói buộc vào nhau chẳng thể ngờ.

Bộ phim The Reader mở đầu bằng cảnh đường phố năm 1995 tại Berlin. Michael Berg, một luật sư Đức từ cánh cửa sổ nhìn xuống đường. Ông nhớ lại thời còn rất trẻ, vào năm 1958. Lúc ấy mới ở tuổi 15, cậu bé Michael còn sống với gia đình tại thành phố Neustadt.

Một hôm, trên đường từ trường học về nhà, cậu lâm bệnh bất thình lình. May mắn thay, cậu được một phụ nữ, ngoài 30, bà Hanna Schmidz giúp đỡ và đưa cậu về đến nhà. Vài tuần sau, một khi đã bình phục, Michael mua hoa, mang đến nhà Hanna để cảm ơn. Chẳng mấy chốc, Hanna đã quyến rũ Michael, cho dù nàng hơn Michael 20 tuổi đời.

Là đứa con trai mới lớn, Michael được Hanna dẫn dắt vào thế giới của dục vọng, với một điều kiện là : Michael đọc cho nàng những quyển tiểu thuyết mà thiếu niên này mang từ trường lớp về nhà để học tập.

Hanna dẫn dắt Michael vào thế giới của dục vọng, với điều kiện là : cậu thiếu niên đọc truyện cho nàng

Hanna dẫn dắt Michael vào thế giới của dục vọng, với điều kiện là : cậu thiếu niên đọc truyện cho nàng

Cứ như thế Ulysse của Homer và Chiến tranh và Hoà bình của Tolstoi,Người đàn bà và con chó bé nhỏ của Tchekhov hay Người tình của Lady Chatterley của D.H. Lawrence, các câu truyện này được Michael đọc to tiếng cho Hanna nghe, trước khi họ đắm mình trong cơn ân ái. Nhưng bỗng một hôm, Hanna dọn nhà, ra đi không một lời từ giã.

Phần hai của bộ phim đưa khán giả về thời điểm 1966. Tám năm sau, Michael giờ đây là chàng sinh viên học luật tại Berlin. Trong một lớp tập sự, Michael cùng các sinh viên khác được vị giáo sư hướng dẫn vào tham dự một phiên toà xét xử đám cai ngục thời Đức Quốc Xã, đã tiếp tay diệt chủng người Do Thái.

Trong số các bị can, Michael bàng hoàng nhận ra Hanna, người tình của chàng ngày trước. Qua lời Toà án chất vấn bị can, Michael sững sờ hơn nữa khi phát hiện, chính Hanna trong chiến tranh ở địa vị người cai ngục, đã chỉ định hàng trăm nạn nhân để đưa họ vào lò thiêu. Cũng chính Hanna đã không giải thóat cho đám tù nhân, mà còn khóa kín cửa một nhà thờ bị ném bom, để mặc hàng trăm người Do Thái bị thiêu sống.

Hanna, con người hai mặt, từ kỷ niệm ngày xưa mà Michael còn giữ kín, trở thành hiện thân của phát xít, của cái Ác. Đau đớn hơn nữa cho Michael, chỉ mình anh phát hiện ra điều bí mật mà Hanna đã hổ thẹn che giấu suốt cuộc đời : nàng là kẻ mù chữ. Bởi lẽ đó, nàng yêu thích được người khác đọc sách cho mình.

Vì Hanna mù chữ, nên cô thích được người khác đọc sách cho mình

Vì Hanna mù chữ, nên cô thích được người khác đọc sách cho mình

Kẻ thất học này, trong lúc làm cai ngục, cũng đã thường bắt các tù nhân đọc truyện cho mình nghe, trước khi dồn họ vào con đường chết. Nhưng Michael không đủ can đảm để tiết lộ với Toà án điều bí mật của Hanna. Nếu các vị thẩm phán có bằng chứng là Hanna thất học, thì có lẽ, họ đã rộng lượng hơn, chứ không tuyên xử Hanna với bản án nặng nề là tù chung thân.

Gương mặt đời thường của cái Ác

Trong phần ba, câu chuyện The Reader rẽ sang lối khác và xem xét mặc cảm tội lỗi của người Đức, sau khi để xảy ra vụ diệt chủng ghê gớm nhất lịch sử nhân lọai.

Trong suốt 20 năm sau phiên toà, Michael gửi cho Hanna những gói quà nặc danh, chỉ gồm toàn băng cassét, ghi lại các tiểu thuyết do anh đọc. Ở tù, nhờ vào các băng ghi âm, Hanna đã học viết. Hanna không còn là kẻ mù chữ. Hanna gửi nhiều lá thư cho Michael, nhưng chẳng bao giờ được hồi âm.

Trước ngày được giảm án và được phóng thích, Hanna nhận tin vui. Michael viếng thăm bà với bó hoa như ngày trước và hứa sẽ cưu mang bà, tìm cho bà một chỗ ở và một công việc. Ngày hôm sau, Michael đến nhà tù để đón bà ra. Nhưng Hanna đã tự vẫn, để lại món tiền dành dụm mà bà nhờ Michael trao lại cho một người con gái Do Thái, vào lúc trước, đã thóat thân khỏi ngục tù và sau này sinh sống tại Hoa Kỳ.

Xem bộ phim này, và đối với ai có điều kiện đọc tiểu thuyết The Readercủa nhà văn Đức Bernhard Schlink, không thể không liên tưởng đến câu nói của nữ triết gia Hannah Arendt khi bà theo dõi phiên toà xử một tên đồ tể Đức Quốc Xã khét tiếng là Adolf Eichmann. Hannah Arendt đã nói đến “Gương mặt đời thường của cái Ác”.

Bà dùng cụm từ trên để chỉ định những con người tầm thường đã tiếp tay cho Đức Quốc Xã, đã tuân thủ lệnh cấp trên để phạm vào cái tội ác tầy trời, mà không hề có ý thức phê phán hay sự độc lập tư tưởng. Họ không phải là Ác qủy, họ chỉ là kẻ thừa hành. Thế nhưng họ vẫn ác, họ vẫn vô lương tâm và không thể tha thứ nỗi.

Nhờ bộ phim The Reader, Kate Winslet đã đoạt giải diễn xuất trong kỳ trao giải Oscar 2009, bên cạnh Sean Penn và Penelope Cruz (Reuters)

Nhờ bộ phim The Reader, Kate Winslet đã đoạt giải diễn xuất trong kỳ trao giải Oscar 2009, bên cạnh Sean Penn và Penelope Cruz (Reuters)

Đôi khi, họ đáng thương như nhân vật Hanna Schmidz trong câu chuyện. Bà thốt lên trong phiên toà rằng : “ở vào hoàn cảnh của tôi, các ông, các bà sẽ làm gì?”. Rất có thể, Hanna đã biết sám hối. Trong tiểu thuyết, bà thổ lộ vào cuối đời rằng trong tù, mỗi ngày, bà vẫn nằm mơ thấy các bóng ma của nạn nhân Do Thái trở về ám ảnh, hỏi han bà, chất vấn bà. Nhưng có sám hối chăng nữa, bà cũng không thể nào được cứu rỗi.

Do đó, trong bộ phim cũng như trong tiểu thuyết The Reader, điều bí mật ghê gớm nhất là người dân Đức đã để xảy ra vụ diệt chủng, mà các thế hệ đương thời, cũng như mai sau, không tài nào lý giải nguyên nhân hoặc tha thứ.

Việc nhân vật Hanna mù chữ, chỉ là một ẩn dụ của người Đức, mù lòa trong chiến tranh, đã lỡ để cho Đức Quốc Xã phạm Tội ác mà loài người không thể dung thứ và chính con cháu họ cũng không thể thông cảm.

Bảo Thạch - RFI

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Website counter