Lâu đài Neuschwanstein – Bavaria, Đức

Lâu đài Neuschwanstein (New Swan Stone Castle) là một trong những toà lâu đài đẹp nhất và nổi tiếng nhất tại nước Đức. Đây là cung điện hoàng gia tọa lạc tại vùng Bavaria, nước Đức, do vua Ludwig II của xứ Bavaria xây dựng.

Lâu đài Neuschwanstein nằm trên vách đá cheo leo ở độ cao 965m, vươn cao khỏi cánh rừng dưới chân núi dãy Alps thuộc bang Bavaria, miền Nam nước Đức, cách thủ đô Berlin 2 giờ bay.
Vua Ludwig II lên ngai vàng khi mới 18 tuổi, được lịch sử Đức gọi là “vị vua điên dễ thương” bởi ông chỉ mê văn chương, hội hoạ và nghệ thuật. Chính tính cách này của vua Ludwig II đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến lối kiến trúc của lâu đài Neuschwanstein - trường phái kiến trúc giữa cổ điển và Gothic Đức thế kỷ 13.
Lâu đài đẹp như truyện cổ tích này là hình ảnh thu nhỏ hội tụ tất cả các nét độc đáo của phong cách tân lãng mạn (neo-romantic style). Lâu đài nhìn hướng ra thung lũng Hohenschwangau, nơi toạ lạc lâu đài Hohenschwangau trước kia là dinh thự của vua Ludwig II nằm cách không xa lâu đài Neuschwanstein ngày nay, gần thị trấn du lịch nổi tiếng Füssen.

Lâu đài Hohenschwangau-nơi vua Ludwig II sinh trưởng

Vào năm 1866, Bavaria (đồng minh của nước Áo) thất bại trong cuộc chiến chống lại sự xâm lấn của nước Phổ. Bavaria buộc phải chấp nhận tham gia vào liên minh phòng thủ và công kích (defensive and offensive alliance), mà theo đó vua của Bavaria mất đi quyền lãnh đạo quân đội trong trường hợp có chiến tranh xảy ra. Và từ năm 1866, vua Ludwig II không còn là người lãnh đạo tối cao của đất nước, điều này là thất bại lớn nhất trong cuộc đời của ông. Vào năm 1867, ông bắt đầu nghĩ đến việc xây dựng cho mình một vương quốc riêng trong các lâu đài và cung điện của mình, nơi ông có thể là một vị vua thực sự.

Bản đồ Bavaria

Năm 1867, Ludwig II đến thăm lâu đài Wartburg. Ông bị ấn tượng bởi căn phòng Singers' Hall, về sau lâu đài Wartburg và đại sảnh của nó trở thành hình tượng chủ đạo cho thiết kế của lâu đài mới. Kiến trúc sư Eduard Riedel cũng phải tiến hành theo các ý tưởng dựa trên các tiểu cảnh sân khấu do họa sĩ phong cảnh người Munich tên Christian Jank thiết kế.

Lâu đài Wartburg

Trên đỉnh núi Jugend có 2 lâu đài nhỏ đã đổ nát, Vorder và Hinterhohenschwangau. Đây là địa điểm vua Ludwig II cho xây dựng một lâu đài Hohenschwangau mới (sau cái chết của vua Ludwig II, lâu đài này mới có tên là Neuschwanstein). Lâu đài mới này mang dáng dấp của thời trung cổ nhưng bên trong được trang bị các vật dụng, kỹ thuật hiện đại.
Lâu đài bắt đầu được xây dựng vào ngày 05/09/1869, nhưng việc thi công diễn ra rất chậm chạp do phải tuân theo các ý tưởng của vua Ludwig II, và đến nay vẫn chưa hoàn thành sau cái chết của vui Ludwig vào năm 1886. Lâu đài là hiện thân của sự lãng mạn trong thế kỉ 19. Mô phỏng theo hình dáng của các lâu đài thời trung cổ, Neuschwanstein với các tháp canh và mái hình chóp tọa lạc trên một địa hình cao tại hẻm núi Pollat River. Tòa nhà lối vào (Gateway Building) được xây dựng đầu tiên, nơi vua Ludwig II sống tại đây trong vài năm.

Vào mùa đông

Nhà vua là một người rất hâm mộ Richard Wagner (Một nhà soạn nhạc, chỉ huy dàn nhạc, đạo diễn sân khấu người Đức), thậm chí tới mức đặt tên cho lâu đài theo tên của một nhân vật trong vở opera "the Swan Knight" của Wagner. Bạn sẽ không tìm thấy bất kì một toà lâu đài nào khác tại Đức thể hiện niềm yêu thích của vua Ludwig II đối với Richard nhiều như vậy. Các tấm thảm khắc họa hình vẽ của các cảnh trong các vở opera của Wagner bên trong lâu đài.

Vua Ludwig II

Lâu đài được xây dựng chậm hơn dự kiến của nhà vua vì nó có cấu trúc rất phức tạp và vị trí lại nằm trên cao nên công việc xây dựng rất khó khăn. Các kiến trúc sư, thiết kế và thợ thủ công thực hiện từng chi tiết theo ý tưởng của nhà vua. Các mốc thời gian chủ quan do đức vua đặt ra đôi khi buộc đội ngũ xây dựng phải làm việc cả ngày lẫn đêm để hoàn thành các hạng mục.
Ông ngày càng ít tiếp xúc với những người xung quanh và tập trung hơn nữa vào vị trí hoàng tộc của mình, vì thế Ludwig II thay đổi bản thiết kế toà lâu đài. Phòng nghỉ cho khách trong bản thiết kế được thay thế bằng sảnh Ma rốc (Moorish Hall) có một đài phun nước nhưng sự thật phòng này chưa bao giờ được hoàn thành. Phòng viết (Writing room) được thay đổi từ năm 1880 thành một gian phòng theo kiểu hang động nhỏ (small grotto). Căn phòng Audience room thay đổi trở thành phòng thiết triều khổng lồ (Throne room) được thiết kế theo phong cách Byzantine, lấy cảm hứng từ nhà thờ Hagia Sophia tại thành Constantinople (bây giờ là Istanbul). Đây không còn là nơi dành cho mọi người nữa, nó được xây như một đài kỉ niệm cho vương quyền.

Nhà thờ Hagia Sophia tại Thổ Nhĩ Kỳ

Vua Ludwig II là người bảo trợ cho nhà soạn người Đức Richard Wager, và các căn phòng nằm ở tầng 3 thể hiện tình yêu và niềm say mê của đức vua đối với các câu chuyện do Wager sử dụng trong các vở opera của mình. Phòng Singers Hall nằm trên tầng 4 với trần lồi lỗm (coffered ceiling) nhằm tôn vinh cuộc đời của Parsifal, người anh hùng trong một vở opera nổi tiếng khác của Wagner, phỏng theo căn phòng Minstrels Hall trong lâu đài Wartburg.

Nhà soạn nhạc Richard Wagner

Các mặt bên ngoài của lâu đài được lát bằng các phiến đá vôi. Vật liệu xây dựng này được khai thác tại Alterschrofen gần hồ thiên nga (Swansee). Các bức tường bên trong được xây bằng gạch.
Quá trình xây dựng lâu đài được thực hiện tuân theo một bản thiết kế tỉ mỉ. Lâu đài được trang bị đủ các vật dụng hiện đại, nếu không nói là cách mạng vào thời điểm đó. Nước được dẫn qua tất cả các tầng lầu. Suối nước nằm phía trên cao 200m cung ứng nguồn nước ngọt cho lâu đài. Trên mỗi tầng lầu đều có các phòng vệ sinh được trang bị bồn cầu dội nước tự động. Một hệ thống làm ấm cho toàn bộ toà lâu đài. Một hệ thống nước nóng cho nhà bếp và nhà tắm.

Trong màn sương

Rất tiếc, năm 1886, vua Ludwig II mất đột ngột, tòa lâu đài Neuschwanstein phải dừng thi công và mới chỉ hoàn thiện được 15 trong tổng số 228 phòng trong bản thiết kế, nhiều căn phòng trong lâu đài này vẫn còn bị bỏ trống chưa hoàn thành. Nhưng vẻ đẹp của toà lâu đài này thì không thể phủ nhận.

Nội thất
Sảnh lối vào (The Entrance Hall)

Sảnh này được chia thành 2 lối đi ở giữa, mái vòm chữ thập (groined vault) với các bức họa trang trí cho căn phòng, sàn nhà được lát gạch vuông đem từ Mettlach. Hành lang bên trái sau các cửa sổ là khu nhà dành cho giai nhân trong lâu đài.

Phòng thiết triều (Throne-Room)

Bước lên trên các bậc thang là tới bệ để ngai vàng

Nhìn từ ngai vàng xuống điện phía dưới

Do Eduard Ille và Julius Hofmann thiết kế theo phong cách Byzantine. Lấy cảm hứng từ Hagia Sophia ở Istanbul, phòng này có 2 tầng với các hàng cột giả đá Pocfia và đá quý Lapis Lazuli, hoàn thành vào năm 1886.
Dự trù ngai vàng sẽ được đặt tại một khu vực có hình bán nguyệt trên một bệ nhỏ bằng vàng và bước xuống là các bậc thang bằng đá hoa cương trắng. Ngai vàng theo thiết kế làm bằng vàng và ngà voi nhưng chưa bao giờ được thực hiện. Trên các bức tường có treo các bức hoạ vẽ 12 vị tông đồ của chúa Giê-su và phía sau là tượng sư tử vàng, biểu tượng của xứ Bavaria.

Phòng ăn (Dining Room)

Phòng ăn làm bằng gỗ sồi treo các bức họa của Ferdinand von Piloty và Josef Aigner. Thiết kế nội thất của phòng do Julius Hofmann thực hiện. Bức tượng điêu khắc cảnh Siegfried chiến đấu với rồng - là món quá của các nghệ sĩ ở Munich tặng cho vua Ludwig II. Phòng ăn nối liền với nhà bếp phía dưới bằng một thang máy chuyên chở thức ăn.

Phòng ngủ (Bedroom)

Phòng ngủ sa hoa lộng lẫy với các đường nét chạm khắc theo phong cách tân Gothic. Người ta cho rằng có đến 14 nghệ nhân điêu khắc gỗ phải làm việc trong 4,5 năm để hoàn thành căn phòng này. Giường ngủ Monarch được bao quanh bằng các hình thù chạm khắc phức tạp và được thêu lót xếp lớp lộng lẫy. Các bức tranh tường minh họa câu chuyện Tristan và Isolde của Wagner. Một con suối phía trên lâu đài đổ nước trực tiếp tới giá rửa mặt.


Chapel (Nhà nguyện)

Liền kề với phòng ngủ là một nhà nguyện nhỏ, tỏ lòng tôn kính đến vị thần bảo hộ của nhà vua - Thánh Louis (Louise IX của nước Pháp).

Phòng thay y phục (Dressing room)

Phòng này được trang trí bằng các khung gỗ sồi tương đối đơn giản, trên trần nhà được tô điểm với hình ảnh của lá rừng thiên nhiên như chứa cả bầu trời là điểm nhấn của căn phòng. Các bức vẽ treo tường kể về cuộc đời và sự nghiệp của Walther von der Vogelweide và Hans Sachs.


Phòng khách (Living room)


Phòng khách được trang trí lộng lẫy với không gian rộng thoáng, được gọi là với tên là "Swan's Corner", nhằm tỏ lòng ngưỡng mộ đến truyền thuyết về hiệp sĩ thiên nga Lohengrin - một câu chuyện nhân gian ý nghĩa và rất quan trọng đối với vua Ludwig II. Bi kịch của Lohengrin là sự cô đơn. Đây cũng là định mệnh của nhà vua. Các bức tường được trang trí với các bức họa do Hauschild và von Heckel thực hiện.

Hang động và căn phòng mùa đông (Grotto and winter garden)

Nằm chính giữa phòng khách và phòng làm việc, Ludwig cho người xây giả một cái hang động, đây là mốt của thời đó. Nhà điêu khắc phong cảnh Dirrigl (đến từ Munich) đã xây cái hang này kết hợp với dòng suối phía trên lâu đài tạo thành một thác nước, tạo ra hiệu ứng rất ấn tượng.
Ra khỏi phòng này, quẹo sang phải, phía sau phòng khách, là lối vào khu vườn mùa đông. Bên trong có một đài phun nước và sảnh Marốc.

Phòng làm việc (Study room)

Phòng làm việc của nhà vua theo phong cách Gothic.

Sảnh ca sĩ (Singer's Hall)

Trải rộng trên toàn bộ tầng 4 của lâu đài, là bản sao của sảnh Minstrels ở lâu đài Wartburg do Julius Hofmann thiết kế.

Nhà bếp (Kitchen)

Trang bị các kỹ thuật hiện đại thời đó, cho phép giữ lại nhiệt cung cấp cho các tầng trên cao.

Cầu Marienbrücke

Chiếc cầu làm bằng gỗ bắc qua hẻm núi, được đặt theo tên mẹ của vua Ludwig, hoàng hậu Marie-công chúa của nước Phổ. Vào năm 1866, một cấu trúc bằng sắt được dựng lên thay thế cho chiếc cầu bằng gỗ trước kia.

Thông tin thêm:
Lâu đài chứa đầy các nghịch lý. Nó là một toà nhà gây nhiều tranh cãi vào thời điểm đó, và có nhiều điều thú vị về nó như:
1. Neuschwanstein có nghĩa là "New swan stone". Tên của toà lâu đài xuất phát từ nhân vật hiệp sĩ "Swan Knight" trong vở opera của Wagner.
2. Lâu đài được xây dựng chỉ dành cho duy nhất một người đó là vua Ludwig II. Neuschwanstein quá rộng lớn, có thể đón tới 6000 lượt du khách viếng thăm mỗi ngày.
3. Ludwig chỉ ngủ lại 11 đêm trong lâu đài.

Lâu đài Neuschwanstein nhìn từ trên cao xuống

4. Ludwig là người bảo trợ cho Richard Wagner (Một nhà soạn nhạc, chỉ huy dàn nhạc, đạo diễn sân khấu người Đức), nhiều phòng ốc trong lâu đài lấy cảm hứng từ các vở nhạc kịch của Wagner. Dù vậy, Wagner chưa bao giờ đến viếng thăm toà lâu đài, ông mất trước khi nó hoàn thành.
5. Lâu đài là một trong những toà nhà được chụp ảnh nhiều nhất trên thế giới, dù việc chụp hình bên trong toà lâu đài là không được phép.
6. Không có ngai vàng trong lâu đài, sảnh thiết triều vẫn không được hoàn thành sau khi vua Ludwig qua đời.
7. Toà lâu đài công chúa ngủ trong rừng trong công viên Disneyland lấy ý tưởng từ lâu đài này.

Lâu đài công chúa ngủ trong rừng tại công viên Disneyland

8. 14 thợ mộc làm việc trong hơn 4 năm trời để hoàn thành các vật dụng đồ gỗ trong phòng ngủ của lâu đài.
9. Dù lâu đài có dáng vẻ thời trung cổ, nhưng nó được xây vào thế kỉ 19 và không phục vụ cho mục đích quân sự.
10. Ban đầu tên của lâu đài là New Hohenschwangau. Nó được đặt tên lại là Neuschwanstein sau khi vua Ludwig II qua đời.
11. Người thiết kế cho lâu đài là Christian Jank, một nhà thiết kế sân khấu chứ không phải là một kiến trúc sư.

3 nhận xét:

Nặc danh nói...

Mình tình cờ tìm được blog của bạn, đặc biết về entry này, nhiều thông tin hay quá. Thế cho nên ... mình mạn phép mượn link nhà bạn để connect qua entry của mình với nha, để khi bạn bè mình tìm hiểu, có thể đọc trực tiếp tại đây :). Cảm ơn bạn trước :), nhà bạn đẹp thật í, có nhạc, có hình, có bao nhiêu là thứ hay ho mình thích :).

Chúc bạn năm mới hạnh phúc và mọi điều tốt lành.

nói...

Cảm ơn bạn nhiều, chúc bạn một năm mới mạnh khỏe và nhiều thành công.

Nặc danh nói...

cám ơn chị đã giúp em làm thuyết trình về Neuschwanstein castle

Đăng nhận xét

Website counter