Trích đoạn phát biểu của Steve Jobs tại Đại học Stanford (2005)

"Luôn ghi nhớ rằng mình sẽ không sống được lâu nữa là ý nghĩ quan trọng nhất giúp tôi đưa ra những lựa chọn lớn trong cuộc đời. Bởi vì hầu hết tất cả mọi thứ - tất cả những kỳ vọng bề ngoài, tất cả niềm tự hào, mọi nỗi lo sợ về sự lúng túng hay thất bại - đều sẽ tan biến trước cái chết, và chỉ những gì thực sự quan trọng sẽ còn ở lại.

Việc ghi nhớ rằng mình rồi sẽ chết là cách tốt nhất mà tôi biết để tránh cái bẫy của suy nghĩ cho rằng mình có thứ gì đó để mất… Một khi đã trắng tay, thì chẳng có lý do gì để không nghe theo tiếng gọi của trái tim mình.

Thời gian của đời người là hữu hạn, bởi thế đừng lãng phí nó bằng cách sống cuộc sống của một người nào đó không phải là chính mình. Đừng mắc kẹt trong những lời giáo lý, vì đó là cách sống với kết quả từ suy nghĩ của người khác. Đừng để âm thanh của những ý kiến khác lấn át đi tiếng nói bên trong của chính mình".

Nguồn: Vneconomy


 

Read more ...

Phân biệt một số định dạng âm thanh

1. Âm thanh số là gì?
 
Âm thanh được ghi trên đĩa CD và định dạng file âm thanh WAV được sử dụng chuẩn định dạng pulse-code modulation (PCM) (tạm dịch là điều biến nhịp, nghĩa là trong analog ta thấy một tần số sine diễn tả âm thanh, nhưng trong kĩ thuật số ta không thể có sóng sine mà người ta sử dụng những "nhịp đập" cao thấp khác nhau một cách liên tục để diễn tả gần đúng nhất hình dạng sóng sine"). Đây là những tín hiệu âm thanh gốc và hoàn toàn không được nén.

Theo chuẩn PCM,
mỗi giây âm thanh được lấy mẫu với tần số lấy mẫu 44.1KHz, và mỗi mẫu được diễn tả bởi 16 bit dữ liệu. Có nghĩa là trong 1 phút nhạc/âm thanh ta có:
44.100 đợt lấy mẫu .2 kênh trái phải .2 bytes (16 bit = 2 bytes) .60 giây = 10.584.000 bytes = 10.1 MB


Như ta đã biết, một CD thường có dung lượng là 750Mb, hoặc lưu được 74 phút nhạc, vì thế nếu bạn nhân con số 10MB của mỗi phút nhạc cho 74 bạn sẽ thấy rõ tại sao CD nó lại như vậy.

Vậy tóm lại, 1 giây của âm thanh gốc sẽ có bitrate là
1411kbps.

2. Định dạng âm thanh phổ biến


(a) Lossy compression (Nén, bị mất dữ liệu): mp3, wma, ...

Với sự phát triển của PC và internet, nhu cầu chia sẻ thông tin và nhạc càng ngày càng được đòi hỏi cao. Nhưng thật bất tiện khi gửi cả album nhạc đến 700MB qua internet với tốc độ èo uột 56kps thời đấy được. Do đó các nhóm nghiên cứu, các tổ chức và nhiều công ty khác nhau đã cố gắng tìm ra những định dạng âm thanh mới sử dụng những thuật toán riêng để nhằm giảm bớt dung lượng dữ liệu cần đề diễn tả âm thanh gốc, cùng lúc đó cố gắng giữ cho âm thanh gần với âm thanh gốc nhất.

Có rất nhiều định dạng khác nhau đã ra đời như
mp3, wma, aac, ogg, mpc, atrac, ... Chúng hoạt động gần giống nhau nhưng mỗi định dạng có một thuật toán khác nhau để xác định xem giữ lại mẫu âm thanh nào, bỏ mẫu âm thanh nào, hoặc điều chỉnh mẫu âm thanh thế nào.

Thế thì tại sao lại có thể bỏ, hoặc giữ lại? Vì theo lí thuyết, tai con người sẽ rất khó nhận ra sự hiện diện của một tần số âm thanh nhất định nào đó (có thể là quá
20Khz). Việc bỏ đi
một phần dữ liệu âm thanh này giúp cho các định dạng âm thanh mất dữ liệu như mp3 có thể giảm dữ liệu cần thiết để diễn tả một lần lấy mẫu (sẽ ít hơn rất nhiều so với 16bit cho 44.100 lần một giây như của âm thanh gốc).

Ngoài ra các định dạng âm thanh này còn tạo ra những âm thanh giả nhằm đắp vào những phần nó đã loại bỏ, điều này là thực sự không thể chấp nhận được. Nó tạo ra những âm thanh ta hay gọi là "eo éo" hoặc vang hoặc méo hẳn so với âm chuẩn. Những file được nén với bitrate càng thấp thì hiện tượng này xảy ra càng nhiều: ví dụ điển hình nhất là khi bạn hãy nghe thử một đoạn khán giả vỗ tay trong một file mp3 và một track trong CD gốc hoặc một file nén không mất dữ liệu (lossless) sẽ ngay lập tức nhận ra. Vì sao tiếng vỗ tay lại gây ra nhiều vấn đề như vậy? Bởi vì tiếng vỗ tay là âm thanh hỗn hợp ngẫu nhiên, nếu trong âm thanh chuẩn gốc nó sẽ được diễn tả đầy đủ, thế nhưng với âm thanh nén, định dạng nén buộc phải "ép" bitrate của mình vào khoảng cho phép do đó nó tạo ra những âm thanh vỗ tay đều đều nhau rất ít sự khác biệt hoặc bị hiệu ứng vang.

Chúng ta thường thấy rằng
mp3 hay được nén với bitrate là 128, 192, hoặc 320 kilobit/1 giây (kbps) . Bạn có thể nhận thấy rằng nó chỉ bằng 1/10 so với bitrate của WAV (1411kbps) đó là lí do tại sao 1 phút nhạc MP3 128kbps chỉ tốn khoảng 1MB.

Đúng là trong 1 số trường hợp nhất định, hoặc 1 dạng âm thanh/nhạc nào đó, sẽ rất khó phân biệt sự khác nhau giữa âm thanh gốc và MP3. Bên cạnh đó các thuật toán nén của các định nhạc mất dữ liệu đã được cải thiện rất nhiều. Thế nhưng không có gì hoàn hảo, và chắc chắn cái gì đã mất đi thì sẽ làm cho nó hỏng đi. Đặc biệt là âm thanh. Đối với những album nhạc như vocal, nhạc cụ, hay đặc biệt là cổ điển thì đây là 1 tai họa, vì với những album nhạc này, thường những nhạc cụ được sử dụng hoặc giọng hát có tần số âm thanh rất cao hay rất trầm do đó rất nhiều dự liệu đã bị loại bỏ hoặc điều chỉnh khác đi so với thực tế.

MP3, âm thanh nén, nhiều người cho rằng chỉ thích hợp với nhạc pop hoặc các dạng nhạc bình thường khác.

(b) Lossless Compression (Nén, không mất dữ liệu)

 
Trong công việc hàng ngày với máy tính, hẳn không ít lần bạn đã nén một file tài liệu gửi cho đồng nghiệp. Có thể bạn đã sử dụng Zip hoặc Rar làm định dạng nén.

File tài liệu được bạn nén sau khi qua Zip hoặc Rar sẽ trở nên nhỏ hơn rất nhiều nhưng khi người nhận nhận được file, họ sẽ giải nén và có được file tài liệu gốc mà bạn đã tạo. Vậy Zip và Rar đã làm gì? Nói đơn giản, đó là những thuật toán nhằm tìm ra những quy luật lặp của dữ liệu từ đó, tìm một cách hiển thị khác tối ưu hơn, tốn ít dữ liệu hơn. Ví dụ ta có chuỗi: aaaaa bbbbbbb aaa 11111, bạn thấy rằng cách diễn giải tốt hơn nhiều mà tốn ít chữ hơn là a.5 b.7 a.3 1.5. Đấy là một ví dụ rất đơn giản để bạn hiểu, còn thì nó phức tạp hơn rất nhiều.

Như vậy khi người nhận nhận file và giải nén, Zip và Rar đóng nhiệm vụ sử dụng những chuỗi dữ liệu nén đó tập hợp và tạo lại file gốc ban đầu.

Đó cũng là mục đích của định dạng âm thanh nén không mất dữ liệu (lossess). Với cấu trúc trên của zip hoặc rar thì bạn có thể thấy rõ rằng đối với lossless audio, nó lấy đầu vào là âm thanh gốc của CD, cố gắng tìm ra những quy luật âm thanh và nén nó lại. Việc nén lại này là không cao vì dữ liệu âm thanh rất đa dạng và sử dụng nhiều dữ liệu. Hiện tại mức độ nén cao nhất có thể của kĩ thuật nén không mất dữ liệu là bằng khoảng 1/3 dung lượng của âm thanh gốc. Do đó mỗi album lossless sẽ có dung lượng khoảng 200 đến 300 Mb.

Khi giải nén hoặc khi nghe lossless điều chắc chắn ta đạt được đó chính là tín hiệu gốc của âm thanh
CD (44.1Khz, 16bit, 1411Kbps). Điều này là cứu nhân cho mọi người yêu âm nhạc luôn đòi hỏi âm thanh trung thực nhưng không có điều kiện có CD gốc hoặc muốn sử dụng máy tính làm nơi lưu trữ albums.

- Hoạt động của việc ghi CD nhạc:
 
Như đã đề cập, định dạng âm thanh của CD là
PCM 1411kbps và đầu vào của nó cũng phải ở định dạng PCM 1411kbps. Do đó khi ta ghi một CD nhạc, việc đầu tiên của một chương trình ghi đĩa là nó phải convert (chuyển) bất kì định dạng đầu vào nào ra WAV, bất kể nó là mp3 hay ape, lossy hay lossless. Đó là lí do vì sao mà ngoài mp3 thường được hỗ trợ sẵn, đối với các định dạng âm thanh khác ta phải cần plugin cho trình ghi đĩa mới có thể ghi được.

Như thế bất kì định dạng nhập vào là gì trước khi ghi ra đĩa ta sẽ có một dữ liệu âm thanh định dạng WAV, mà WAV thì luôn là PCM 1411kbps. Cho nên dù dữ liệu vào "xấu" hay "đẹp" nó cũng sẽ được cho mặc
một cái áo được dệt bởi 1411 kí sợi để ghi ra CD. Tại sao cùng một album, ta có hai định dạng mp3 và ape, mp3 chỉ 50MB, ape đến 200MB mà ghi ra đĩa vẫn đầy, vẫn cùng ngần đấy phút nhạc? Đã có câu trả lời tại sao.

- Hoạt động của việc nén CD nhạc:
 
Như vậy sau khi ghi ra CD một rổ dữ liệu "xấu" đấy, nếu bạn sử dụng nó để đọc trong máy sẽ vẫn thấy rằng bitrate của nó là 1411kbps. Tiếp theo nếu bạn sử dụng phần mềm để rip CD (trích xuất CD thành từng track) này và xác định bitrate là 320 hay cao hơn đi nữa thì nó sẽ vẫn thực hiện công việc nén 1411kbps dữ liệu "xấu" đấy trở thành 320. Nhưng cũng phải nói thêm rằng dù nén 320kbps nhưng dữ liệu "xấu" của bạn sẽ càng trở nến xấu hơn vì chính trong lúc nén ở 320kbps, nó sẽ tiếp tục bị mất tiếp dữ liệu. Đã xấu lại càng xấu .

Vậy theo lí thuyết ở phần trước, để giữ nguyên độ "xấu" gốc bạn chỉ có cách nén ở định dạng lossless không mất dữ liệu ... "xấu".

Phần lớn, hay ko muốn nói là tất cả những đĩa nhạc copy (cả nhạc Việt lẫn nhạc ngoại) mà ta thấy ngoài tiệm đều là ghi ra đĩa với nguồn là MP3 trong máy tính. Bạn có rip với bất kì định dạng nào thì chất lượng vẫn là hàng phế phẩm, không nói gì chất lượng CD, mà chất lượng âm thanh không thể nào bằng đĩa gốc.

Vậy với lossless nó sẽ thế nào? Cũng vẫn thế, nhưng khi APE được trình ghi đĩa giải nén ra WAV ta sẽ có lại dữ liệu đẹp ban đầu ở 1411kbps, tạo ra 1 đĩa CD chuẩn ở 1411kbps, rồi ta lại rip lossless, rồi lại ghi ra. Cho dù bao nhiêu lần đi nữa thì dữ liệu vẫn (có thể) được giữ nguyên. Nói có thể là vì nó còn phụ thuộc nhiều vào chất lượng CD, chất lượng đầu đọc, hai thứ đó có đảm bảo được cho sự an toàn, hoàn chỉnh của dữ liệu khi ghi và đọc hay không. Vì thế mà người ta luôn nói là với CD thì phải là TDK, ổ đĩa thì phải là Plextor, hơn nữa khi ghi hay đọc thì chỉ ở tốc độ 1x , như thế mới giảm thiểu tối đa số lỗi đọc ghi.

Công nghệ ghi đĩa và loại đĩa được sử dụng là rất quan trọng do đó đĩa hiệu mới đắt như vậy. Ngoài ra còn có đủ loại đĩa dành cho dân audiophile như đĩa vàng, đĩa thủy tinh. Công nghệ thì có
XRCD, DCC, Chesky, MFSL ,... rất rất nhiều. Sự khác nhau của họ là cách thức xử lý tín hiệu gốc đạt đến độ hoàn chỉnh, sau đó sử dụng công nghệ máy móc được phát triển riêng để ghi lên đĩa đặc hiệu, máy ghi đĩa luôn đảm bảo rằng không có lỗi xảy ra, dữ liệu không bị nhiễu và khi ghi lên bề mặt đĩa đạt hiệu quả tối ưu.

 - Nén nhạc với định dạng Lossless:

Hiện tại có hai định dạng nhạc nén lossless phổ biến nhất là FLACAPE. Để trích xuất nhạc từ đĩa CD hoặc chuyển đổi định dạng nhạc sang FLAC hoặc APE bạn có thể sử dụng những phần mềm sau:
  • Exact Audio Copy (EAC): phần mềm tiêu chuẩn để rip nhạc. EAC là phần mềm tốt nhất để đảm bảo chất lượng nhạc chép vào là giống với CD nhất. 
  • Foobar2000: Chương trình chơi nhạc nén lossless hay nhất hiện tại. Bạn cũng có thể sử dụng chương trình để chuyển đổi định dạng hay rip từ CD. (Đối với định dạng FLAC, bạn cần download thêm tiện ích từ trang chủ của chương trình).
  • Monkey Audio Compressor: mẹ của APE. Dữ liệu chép vào chuẩn sẽ là WAV (như CD) sau đó MAC được gọi để nén lại thành APE.
(*) Kinh nghiệm cá nhân:
  • Nếu bạn không bị giới hạn về khả năng lưu trữ có thể sử dụng định dạng WAV. WAV được hỗ trợ bởi hầu hết các thiết bị âm thanh, tuy vậy không có khả năng lưu trữ thông tin như FLAC vâ APE (như tên bài hát, tác giả, album, ảnh...). Một file WAV có dung lượng khoảng gấp đôi một file FLAC/APE.
  • FLAC được hỗ trợ trong các thiết bị âm thanh phổ biến hơn APE. Nếu rip hoặc chuyển đổi file nhạc bạn nên chọn chế độ nén của FLAC thấp nhất, nhờ đó quá trình chuyển đổi sẽ diễn ra nhanh hơn (file nén FLAC ở chế độ cao nhất cho dung lượng file nhỏ không đáng kể đồng thời quá trình đọc file (ví dụ bởi foobar2000 sẽ mất thời gian hơn)). 
  • Nên lưu trữ toàn bộ kho nhạc của bạn dưới dạng lossless vào máy tính do đĩa CD có thể bị mất hoặc hỏng. Xu hướng âm nhạc tiếp theo sẽ lưu trữ số hóa hoàn toàn. Nếu lưu bằng FLAC, toàn bộ thông tin trên đĩa sẽ được lưu lại vào các tracks. Muốn chuyển đổi sang định dạng khác hoặc ghi ra đĩa sẽ rất dễ dàng. Với các thiết bị đầu đọc home cinema hỗ trợ USB, stream từ máy tính... thì việc quản lý và nghe nhạc với chất lượng cao sẽ tiện dụng hơn nhiều.  
Sưu tầm và bổ sung.

Read more ...

Phim Hereafter: gọi hồn kẻ chết để an ủi người sống

Tuấn Thảo
 Bộ phim "Hereafter" có tựa tiếng Pháp là "Au Delà" (Bên kia thế giới) DR
Đạo diễn Clint Eastwood thuộc vào hàng kỳ cựu của làng điện ảnh quốc tế. Trong số hơn 30 bộ phim mà ông đã quay, tác phẩm sau không hề giống tác phẩm trước. Lần này với bộ phim Hereafter (Bên kia thế giới), ông dẫn dắt người xem vào cõi huyền bí tâm linh, gọi hồn người đã khuất để giải tỏa nỗi dằn vặt ray rứt của kẻ còn sống.

Nội dung bộ phim Hereafter không đơn thuần kể một câu chuyện mà lại kết nối đến ba câu chuyện khác nhau. Về mặt cấu trúc, có thể gọi đây là một tác phẩm hợp xướng, cộng hưởng nhiều nhân vật và tình huống khác biệt. Trong thể loại này, các bậc thầy vẫn là Robert Altman và Woody Allen. Còn dưới ống kính của đạo diễn Clint Eastwood, bộ phim Bên kia thế giới đan xen và lồng ghép ba mảnh đời ở ba phương trời cách biệt (Pháp, Mỹ và Anh) để rồi ở đoạn cuối, hội tụ về cùng một nơi.
Nhân vật đầu tiên mở đầu bộ phim là cô Marie Lelay (do Cécile de France thủ vai), một phóng viên nổi tiếng của đài truyền hình Pháp. Cùng với người bạn trai, cô đi du lịch ở Thái Lan, vào thời điểm xẩy ra cơn sóng thần. Từ căn phòng khách sạn ven biển, người ta thấy mực nước đột ngột rút lui, để rồi dâng cao lên cả chục thước, đổ ập vào đất liền. Trận sóng thần mãnh liệt dữ dội bứng gốc các cột đèn điện, quét sạch phiên chợ làng, cuốn trôi xe cộ nhà cửa. Trong cảnh hoảng loạn, Marie tháo chạy không kịp nên bị nhấn chìm dưới nước. Cô tắt thở chết đuối trong vài phút, trước mắt bỗng hiện ra nhiều bóng người chập chờn trong đường hầm ánh sáng.

Trạng thái cận tử: người chưa tới số
Tuy được người khác làm hô hấp nhân tạo nhưng Marie vẫn không sống dậy. Đến khi toán cấp cứu tưởng chừng cô đã chết, quay lưng bỏ đi cứu giúp người khác, thì Marie mới ọc nước bừng tĩnh. Trời kêu ai nấy dạ. Nói theo người Việt, thì Marie đáng lẽ ra phải chết nhưng rốt cuộc vẫn chưa tới số. Còn nói theo người Âu Mỹ, thì cô đã trải qua trạng thái cận tử (Near Death Experience), một con người phàm trần về từ cõi chết.

Tuy bình an vô sự và được trở về Paris, nhưng tâm tính của Marie bỗng nhiên khác hẳn. Trong lúc làm việc, cô bỗng nhiên hoang mang thất thần như thể hồn vẫn chưa về xác. Bạn trai của cô khuyên Marie nên nghỉ ngơi dưỡng sức, tận dụng thời gian rảnh rỗi để viết sách, vì cho dù cơ thể lành lặn nhưng tâm hồn có thể bị chấn thương. Tưởng lầm rằng cô được nghỉ vài tuần để tĩnh dưỡng, nào ngờ Marie lại bị cho thôi việc nghỉ luôn. Nhưng kể từ khi cô trở về từ thế giới bên kia, sự nghiệp và danh vọng không còn là điều quan trọng.



Nhân vật chính thứ hai trong phim là George Lonegan (do Matt Damon đóng vai), một công nhân bốc hàng làm việc tại bến cảng San Francisco, Hoa Kỳ. Thời niên thiếu, anh bị chứng viêm não nên buộc phải giải phẫu. Căn bệnh nan y khó giải, nên anh phải nằm trên giường mổ hàng tiếng đồng hồ. Sau nhiều ngày hôn mê bất tỉnh, George dần dần hồi phục sức khỏe. Tưởng rằng mọi chuyện đã bình thường, đâu ngờ bệnh viêm não lại biến chứng. Cậu thanh niên bị mất ngủ và nhức đầu kinh niên.
 Mỗi khi phải thức trắng, George chỉ tìm thấy sự an ủi khi nằm yên trên giường, nghe đọc sách qua audio book, chủ yếu là các tác phẩm của nhà văn Charles Dickens. Nhưng trong số các biến chứng, lạ lùng hơn cả là anh có giác quan ngoại cảm: George không nhìn thấu quá khứ hay tương lai, mà lại có thể giao tiếp trò chuyện với linh hồn của người đã khuất. Cứ mỗi lần anh đụng chạm hay nắm tay người khác, là thân nhân quá cố của họ bỗng hiện về, nói cho anh nghe tất cả những điều bí ẩn, che giấu hay chôn kín ở trong lòng, mà chỉ có những người trong cuộc mới biết được.

Nói chuyện với người chết: vận may hay tai họa? Đối với người thường, cái giác quan thứ sáu này có thể là một vận may, nhưng đối với George, thì nó chẳng khác gì một tai họa. Trong đời, anh đã nhiều lần giúp đỡ người còn sống nhắn nhủ tâm tình với người đã khuất. Nhưng cũng như anh nói: sống mà chỉ để nói chuyện người chết thì đâu phải là một cuộc sống thực thụ. Có lẽ cũng vì thế mà George chọn nghề bốc hàng thay vì kiếm tiền nhờ thuật gọi hồn. Cho dù được người anh trai vỗ về dỗ ngọt, nhưng George nhất quyết không muốn khai thác khả năng của mình để trục lợi. Đoạn tuyệt với quá khứ, George khăn gói lên đường rời nước Mỹ sang Anh.

Chính tại Anh Quốc, mà người xem mới khám phá câu chuyện thứ ba. Nhân vật chính là Marcus, một cậu bé 10 tuổi (do George McLaren đóng vai). Marcus sống cùng với người anh sinh đôi tên là Jason ở một khu phố nghèo. Cả hai đứa bé chẳng những mồ côi cha mà còn bị người mẹ bỏ bê, vì chứng nghiện rượu và ma túy. Tuy giống nhau như đúc, nhưng hai đứa bé lại có tánh tình rất khác biệt: thằng em càng nhút nhát rụt rè bao nhiêu, thì thằng anh càng lanh lợi tháo vát bấy nhiêu.

 
Một ngày kia, nhân viên trợ tá xã hội đến nhà gỏ cửa đòi bắt hai đứa nhỏ, đem giao cho người khác nuôi. Thằng anh mới lập mưu bày kế giúp mẹ và em trai thoát khỏi tình huống rủi ro. Chạnh lòng ân hận, bà mẹ thương con mới quyết định mua thuốc cai nghiện. Bà đưa tiền cho Marcus, bảo thằng em chạy ra phố mua thuốc tây về cho mẹ, nhưng rốt cuộc thằng anh lại đòi đi. Đến khi rời khỏi nhà, Jason bị một lũ du côn chặn đường ăn hiếp, thằng anh hoảng sợ băng qua đường tháo chạy, rủi thay lại bị xe cán nên chết ngay tại chỗ.

Kẻ khuất hộ mạng người sống
Sau tai nạn, người mẹ được đưa vào trung tâm cai nghiện. Marcus thì tạm thời được một gia đình khác nhận về nuôi. Thằng bé trở nên lầm lì ít nói, mỗi đêm trước khi đi ngủ lại nói chuyện một mình như thể anh trai vẫn còn sống và nằm trên giường bên cạnh. Sau đám tang, Marcus giữ lại làm kỷ vật cái nón lưỡi trai của Jason. Thằng bé bỏ nhà đi lang thang không phải để chơi bời phá phách mà lại đi tìm thầy bói để giúp nó liên lạc với người anh đã chết. Có một lần, nó vào trạm xe điện ngầm. Giờ cao điểm đông người nên hành khách chen lấn xô đẩy nhau, hất xuống đất cái nón lưỡi trai của thằng nhỏ. Vì đi tìm cái nón mà Marcus trễ mất một chuyến xe, nhưng cũng vì thế mà thoát chết trong đường tơ kẻ tóc vì chuyến xe thình lình phát nổ do bị cài bom, làm nhiều hành khách thiệt mạng.

Phải chăng do duyên kiếp tiền định mà cả ba nhân vật mà thoạt nhìn chẳng có liên hệ gì với nhau lại gặp mặt nhân kỳ hội chợ sách tại Luân Đôn. Trong lúc ký tặng quyển tự truyện, Marie chạm vào bàn tay của George nên anh biết ngay rằng cô đã từng chết đi rồi sống lại. Thằng bé Marcus lang thang giữa các gian hàng sách chợt nhận ra George là người có tài nói chuyện với người chết. Bởi vì nó đã từng thấy chân dung của anh trên mạng internet. Dù bị George xua đuổi cách mấy, nhưng thằng nhỏ vẫn nhất quyết chạy theo anh. Sau khi thấy Marcus đứng chờ trước khách sạn mấy tiếng đồng hồ, George mới xiêu lòng giúp đỡ vì tội nghiệp cho thằng bé.

Lúc đó, Marcus mới biết rằng người anh sinh đôi đã khuất vẫn che chở phù hộ cho mình. Nhờ vong linh của người quá cố, mà chiếc nón lưỡi trai bị rớt xuống đất, và như vậy Marcus thoát chết trong vụ khủng bố xe điện ngầm. Đó là lần duy nhất nhưng cũng là lần cuối cùng hai anh em sinh đôi trò chuyện với nhau. Để tỏ lòng tri ân, thằng bé Marcus mới mách với George là cô Marie đang ở chỗ nào. Dù chỉ gặp mặt có một lần nhưng anh linh cảm là giữa hai người có một sợi dây vô hình nào đó gắn liền hai định mệnh. Trong đoạn cuối, dù khán giả không phải là tiên tri hay thầy bói nhưng họ cũng có thể đoán trước bộ phim kết thúc có hậu đến chừng nào.

Kịch bản: thắt nút chậm, tháo gỡ nhanh
Bộ phim Hereafter là tác phẩm thứ 31 của đạo diễn Clint Eastwood. Có thể xem đây là dấu gạch nối giữa cuộn phim Sixth Sense (Giác quan thứ 6) của Night Shyamalan và Tháp Babel của đạo diễn Alejandro González Inárritu. Một bộ phim huyền bí tâm linh nhưng không ma quái kinh dị, một câu chuyện đa tầng nhiều lớp nhưng vẫn không trái ngược chồng chéo. Về mặt diễn xuất, hầu hết các tài tử Hollywood nên học hỏi cách đóng phim của Michael Caine trong bộ phim mang tựa đề Harry Brown. Còn về thủ pháp điện ảnh, các nhà đạo diễn trẻ nên học hỏi từ đạo diễn Clint Eastwood, vì cách quay phim của ông xứng đáng được xếp vào hạng thượng thừa. Hollywood đã từng quay nhiều bộ phim nói về thiên tai và ngày tận thế, nhưng không có phim nào sánh bằng cái cảnh sóng thần mở đầu bộ phim Hereafter.

Chỉ trong vòng 8 phút, nhưng Clint Eastwood xen kẻ lối quay toàn cảnh, quay nửa thân rồi cận ảnh và nhất là thủ pháp "ống kính chủ quan", tức là quay từ góc nhìn của người trong cuộc. Có lẽ cũng vì thế mà khán giả thật sự có cảm tưởng ngụp chìm trong trận sóng thần. Trong ngôn ngữ điện ảnh, đạo diễn Clint Eastwood dùng hàm ý và tỉnh lược để rút ngắn những đoạn không cần thiết, nhưng bên cạnh đó ông dùng những chi tiết rất phụ để làm giàu câu chuyện, không có chiếc nón lưỡi trai thì làm sao mà Marcus thoát chết, không mê truyện của Charles Dickens, thì nhân vật George sẽ không đời nào đi Luân Đôn.

Tuy nhiên, trên ba phần, bộ phim Hereafter chỉ đạt có hai. Đoạn yếu nhất là đoạn nói về cô Marie, từ cách xây dựng tâm lý nhân vật cho đến việc tái tạo môi trường làm việc của phóng viên người Pháp. Trong phim, câu chuyện của ba nhân vật được phân đoạn một cách đồng đều. Nhưng thời lượng cân bằng dành cho mỗi nhân vật, lại tạo ra sự thiếu cân xứng về mặt trọng lượng vì ý nghĩa của mỗi câu chuyện không ngang tầm với nhau. Trong ba nhân vật, George có vẻ quan trọng hơn cả, anh không những là dấu gạch nối giữa cõi âm và cõi dương mà còn là người có thể giải đáp những khúc mắc của hai nhân vật kia.

Người đi lưu luyến cõi trần, kẻ ở ray rứt nội tâm
Không có giác quan thứ 6 của George, thì cậu bé Marcus sẽ không thể giao tiếp với người đã khuất, và cô Marie sẽ không thể nào trả lời cho câu hỏi: chết là dấu chấm hết hay lại là điểm khởi đầu cho một cuộc hành trình khác. Bên cạnh đó, nhịp điệu của bộ phim cũng bị mất cân đối. Nếu như trong phần đầu của bộ phim, đạo diễn Clint Eastwood dành khá nhiều thời gian để kể câu chuyện của ba nhân vật, thì trong đoạn cuối, mạch phim bỗng nhiên tăng tốc: tuy không lạc điệu nhưng vẫn bị lệch nhịp. Có thể nói là kịch bản được thắt nút chậm mà chặt, nhưng sau đó lại tháo gỡ hơi vội vàng nên không tránh khỏi vài chỗ vụng về.

Nhìn lại, Hereafter không phải là tác phẩm xuất sắc nhất của Clint Eastwood, nếu phải so sánh với các tác phẩm trước của ông là Gran Torino, Mystic River hay The Bridges of Madison County. Dưới lớp vỏ tâm linh huyền bí, cốt lõi của bộ phim nói về nỗi ám ảnh của những người sống sót nhiều hơn là về cái chết. Cậu bé Marcus đau buồn trước cái chết của người anh sinh đôi và chỉ cảm thấy nguôi ngoai khi được nghe lời nhắn nhủ của Jason. Cô Marie không hiểu vì sao mình thoát chết sau trận sóng thần, trong khi hàng trăm ngàn người đã bỏ mạng. Marie bị ám ảnh và chỉ cảm thấy bình an hơn trong tâm hồn khi viết sách làm chứng. Kinh nghiệm cận tử lại đem lại cho Marie một lẽ sống mới.

Còn nhân vật George cuối bộ phim có vẻ như an phận. Trước kia, anh bị dằn vặt ray rức do ở trong tư thế đối đầu, phủ nhận giác quan thứ sáu của mình. Một khi đã chấp nhận, lòng anh cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Vì dù muốn hay không, suốt đời anh phải sống với cái tài gọi hồn, cái khả năng nói chuyện với vong linh người quá cố. Biết bao người đã khuất còn lưu luyến cõi trần, vì trăn trối chưa hết lời. Biết bao kẻ ở lại còn ấm ức nội tâm, vì khi muốn nhắn nhủ thương yêu thì đã quá muộn.

Read more ...

La Maritza (Sylvie Vartan)

Read more ...

Phim Harry Brown, một vai diễn bằng vàng

Tuấn ThảoMichael Caine từng đóng vai tương tự trong phim
Hận thù là một món ăn nguội, càng lạnh chừng nào, càng ngon chừng nấy. Thành ngữ của người Âu Mỹ rất thích hợp với bộ phim hình sự Harry Brown. Trong tác phẩm đầu tay, đạo diễn Daniel Barber đã tìm cách vạch trần thực tế cuộc sống vùng ngoại ô nghèo ở Anh và trao cho Michael Caine một vai diễn bằng vàng.


Trong phim, Michael Caine thủ vai Harry Brown, một ông lão bất cần đời đã ngoài 70 tuổi. Thời thanh niên, ông đã từng đi lính thủy quân lục chiến, tham gia vào cuộc xung đột ở miền bắc Ailen. Một khi về hưu, Harry coi như là đã an phận với cuộc sống đơn điệu tẻ nhạt. Con gái ông đã qua đời lúc còn trẻ. Vợ ông thì hấp hối chờ chết trên giường bệnh. Phim không nói rõ vợ ông bị bệnh gì, chỉ thấy bà nằm ở bệnh viện trong trạng thái hôn mê bất tỉnh. Người đàn ông già cô đơn mỗi ngày đi thăm vợ, cầm tay vuốt má người bạn đời cho dù ông không biết vợ mình có nghe được những lời vỗ về an ủi hay không. Đến ngày vợ ông qua đời, cuộc đời của Harry coi như là đã mất thêm một lẽ sống. 

Niềm vui duy nhất trong ngày là khi Harry gặp mặt người bạn già thân thiết tên là Len (cách gọi thân mật của nhân vật Leonard). Hai người sống cùng một xóm, họ thường rủ nhau đi uống bia, đánh cờ. Cuộc sống ở dãy phố ngoại ô chẳng có gì là yên bình, kể từ khi một băng đảng du côn nắm lấy quyền kiểm soát các lối đi, canh chừng các ngỏ ra vào. Từ căn hộ ngăn nắp của mình, Harry vẫn thường xuyên chứng kiến bọn lưu manh hành hung khách qua đường, các trò buôn ma túy trong đường hầm dành cho người bộ hành. Láng giềng hàng xóm đều sống trong nỗi sợ hãi, kể từ khi có vụ giết người vô cớ. Các tên đu đãng lái xe gắn máy, rồi nã súng bắn bừa vào người đi bộ. Một người phụ nữ dẫn con nhỏ đi dạo, vì thế mà chết một cách oan uổng.



Tuy biết vậy, nhưng cảnh sát chỉ can thiệp để lấy lệ. Khu phố nghèo trở thành lãnh thổ của băng đảng tội phạm, công lý tư pháp nhường chỗ lại cho luật rừng, cá lớn nuốt chửng cá bé, kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu. Cũng như bao người khác trong xóm, ông Harry vẫn mặc kệ làm ngơ, không muốn chuốc lấy tai họa vào thân. 

Cho đến một ngày kia, cảnh sát điều tra (nhân vật Frampton) đến nhà ông gõ cửa, báo cho Harry là Len người bạn thân của ông đã bị sát hại. Trước mặt nhân viên cảnh sát, Harry vẫn trầm tĩnh từ tốn, nhưng khi họ đi rồi, thì Harry lại vỡ òa nước mắt, một mình trong tiếng khóc. Sau vụ án mạng, cảnh sát bắt giữ tạm giam 4 nghi can, nhưng các cuộc thẩm vấn vẫn không đem lại kết quả. Do không có bằng chứng, nên rốt cuộc các tên lưu manh lại được thả về nhà. 

Hận thù trong tim, hung thần máu lạnh 
 
Nhân vật Harry chỉ thật sự quyết định trả thù, một mình ra tay thực thi công lý khi tính mạng của ông bị đe dọa trực tiếp. Vào một buổi tối, trên đường về nhà, ông bị kẻ lạ mặt dí dao vào cổ, hăm dọa đòi tiền. Trong phút chốc, Harry bỗng tìm lại phản xạ tự vệ của một người lính thủy quân lục chiến, quay ngược lưỡi dao đâm chết tên côn đồ. Cuối cùng, chiếc hộp pandora đã mở. Harry Brown trở thành một hung thần giết người không gớm tay, trả thù không nháy mắt. 

Ông lần tìm những manh mối để truy ra các thủ phạm, trong khi cuộc điều tra cảnh sát vẫn dậm chân tại chỗ. Vụ sát hại Leonard, người bạn thân của Harry, đã bị bọn lưu manh thu hình vào điện thoại di động. Nhưng thay vì giao lại bằng chứng này cho cảnh sát để bắt giữ thủ phạm, Harry nhất quyết giết từng người một. Bộ phim kết thúc với một cuộc thanh toán đẫm máu tại một quán rượu. Ngay cả tên trùm băng đảng không ngờ là dù bị trọng thương, ông lão lại liều mạng quyết tử đến như thế. Hận thù : một món ăn nguội. Trong tim Harry, chỉ toàn là máu lạnh. 

Cuộn phim Harry Brown tựa như một cái tát vỗ vào mặt, một cú đấm huých vào bụng. Có lẽ cũng vì thế mà khi xem xong, khán giả không khỏi sững sờ chết điếng trong lòng. Đây không phải là lần đầu tiên nam diễn viên Michael Caine đóng phim hành động, vì ông đã từng thủ vai một cách xuất sắc trong các tác phẩm với nội dung tương tự như Get Carter của đạo diễn Mike Hodges (phim này sau đó được quay lại với Stallone trong vai chính), Ipcress File của Sidney J Furie, hay Play Dirty của André De Toth. Nhưng nếu như trong phim Get Carter, ông vào vai một tên tội phạm, sau khi ra tù tìm cách trả thù cái chết của người anh, thì ngược lại nhân vật Harry Brown là một người lương thiện, thời đi lính ông trực diện với cái chết và giết người trong hoàn cảnh chiến tranh xung đột. 

Ăn miếng trả miếng, dùng độc trị độc 
 
Xem phim Harry Brown, người ta liên tưởng đến nhân vật Paul Kersey do Charles Bronson thủ vai trong loạt phim Death Wish. Trong phim này, Charles Bronson vào vai một kiến trúc sư, trả thù cái chết của vợ con. Người ta cũng nghĩ đến viên thanh tra Harry Callahan trong loạt phim Dirty Harry. Điểm chung của các nhân vật này là họ dùng độc trị độc, dùng sức mạnh để giải quyết bạo lực. Họ không có bạn thân nào khác ngoài cái tên của những khẩu súng lục Magnum, Colt hay Walter PKK. 

Nhưng sự so sánh sẽ dừng lại ở đó, vì Harry Brown là mẫu người mà ta có thể bắt gặp trong đời thường, trong khi các nhân vật mà Hollywood chuyên tạo dựng thường là những anh hùng trừ gian diệt bạo. Thật ra, Harry Brown gần giống hơn với mô típ nhân vật William Munny, mà đạo diễn Clint Eastwood đã quay cho bộ phim Unforgiven (Không thể tha thứ). Trong cả hai bộ phim này, màn cuối khá giống nhau với cảnh thanh toán đẫm máu trong quán rượu, chỉ có điều một bên là phim cao bồi, còn bên kia là phim hình sự. 

Harry Brown không phải là hạng người anh hùng cứng cựa gân cốt. Bằng chứng là vì rượt đuổi kẻ gian mà ông lên cơn đau tim, phải đưa vào bệnh viện. Ông cũng chẳng phải là tay súng thiện xạ, bắn phát nào trúng phát nấy. Nơi nhân vật này chỉ còn một trái tim sỏi đá chai lỳ, điếc không sợ súng, già không sợ chết. Một khi vợ ông đã từ trần và người bạn thân qua đời, Harry đă mất đi những điểm tựa cuối cùng, mất luôn cái bản tính tốt còn sót lại trong tâm hồn. Suy cho cùng, Harry Brown trả thù không phải vì tâm hồn hào hiệp, mà thật ra ông chẳng còn thiết tha với cuộc sống. Trong màn cuối, khi bị dí súng vào mặt, ông không sợ mà lại xem đó là cách cuối cùng để giải thoát nỗi khổ đau.

Tuy gọi là phim hành động, nhưng Harry Brown lại thiên về mạch phim tâm lý xã hội nhiều hơn. Trong tác phẩm đầu tay của mình, đạo diễn Daniel Barber quay nhiều đoạn như phim tài liệu, diễn đạt cao độ tính chất hiện thực khi mô tả thế giới thu nhỏ của các băng đảng tội ác, thành phần thiếu niên ở những khu phố nghèo nghĩ rằng họ dễ kiếm tiền bằng con đường bất chính hơn là làm ăn lương thiện. Thời thanh niên, Harry Brown cầm lấy vũ khí để đấu tranh cho một chính nghĩa. Thanh niên ở các khu phố nghèo thời nay không còn lý tưởng để đeo đuổi.

Đạo diễn Daniel Barber buộc người xem phải suy ngẫm trước câu hỏi : trong một chính sách phát triển xã hội, việc bỏ rơi những khu phố nghèo, rồi để cho các băng đảng kiểm soát thao túng, phải chăng là trách nhiệm của một nhà nước pháp quyền. Xa hơn nữa, phải chăng đó là trách nhiệm của cộng đồng tập thể, khi mỗi người chỉ lo cho chuyện của mình, dù ý thức những gì đang xảy ra ở xung quanh nhưng vẫn khoanh tay đứng nhìn hay mặc kệ làm thinh.

Đường xuống địa ngục, ngưỡng cửa cuối cùng 
 
Trong phim Harry Brown, mạch phim xã hội tràn ngập trên màn ảnh, không khí căng thẳng, tăm tối, càng đến gần đoạn kết càng sặc mùi bạo lực. Đặc biệt là trong màn quay tại căn nhà trồng cần sa, dưới ống kính của Daniel Barber, nhân vật Harry Bown càng không nhân nhượng, không thỏa hiệp. Có lẽ cũng vì thế mà bộ phim bị nhiều nhà phê bình chỉ trích là cực đoan, quá khích khi đẩy bạo lực leo thang đến tột cùng. Cách mô tả xã hội đen của đạo diễn do thiếu phân tích nên chỉ dừng lại ở mức phác họa, với những đường nét thô thiển chứ chưa thể là tinh tế. Đó là khuyết điểm chính của bộ phim.

Ngược lại, ưu điểm của tác phẩm là tạo cơ hội ngàn vàng cho Michael Caine thi thố tài năng diễn xuất. Nơi Harry Bown không có chuyện tức nước vỡ bờ, giọt nước tràn ly. Toàn bộ phim được quay với nhịp điệu khá chậm, quyết định thanh toán kẻ thù dần dần chín mùi trong tư tưởng của nhân vật chứ không đột ngột nảy sinh trong tâm trí. Sự trả thù của Harry Bown là hành động của một kẻ không còn gì để mất. Trong cuộc hành trình dẫn xuống chín tầng địa ngục, hung thần Harry Brown không còn sợ khi phải vượt qua ngưỡng cửa cuối cùng.

Read more ...

Lễ hội, trò chơi dân gian Việt Nam ngày Tết

Đô vật trong tranh Đông Hồ
Đánh chắn, tổ tôm, đô vật, đánh đu là những trò chơi truyền thống ngày Tết của người Việt. Nhưng tại Việt Nam, các lễ hội làng ngày càng được quảng bá rộng rãi thường bị quá tải. Đồng hóa các lễ hội đang làm biến dạng và đánh mất nét đặc thù văn hóa của các thú chơi Xuân của người Việt.

Tết nguyên đán cũng là thời điểm từng được nhà thơ Nguyễn Bính xưa kia miêu tả:

"Thong thả nhân gian nghỉ việc đồng
Lúa thì con gái mượt như nhung
Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng
Ngào ngạt hương bay bướm vẽ vòng"


Hai chữ « ăn Tết » như thể được gắn liền với nhau trong ngôn ngữ của người Việt. Nhưng chúng ta còn nhớ câu hát thân quen : « Tháng giêng là tháng ăn chơi ... » và mọi công việc đồng áng thì hãy để thư thư đến tháng hai, tháng ba cũng chưa muộn.

Một số trò chơi dân gian ngày Tết đã đi vào thi ca như bài "Cây Tam Cúc" của Hoàng Cầm hay "Đánh đu" của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Sinh thời, cụ Nguyễn Công Trứ cũng đã có bài thơ nổi tiếng để khất nợ vì thua tổ tôm. Nhưng các trò chơi ngày xuân trong văn hóa Việt Nam không chỉ giới hạn ở đó. 

Vậy thì trong cả tháng giêng dài, cũng như trong ba ngày Tết người Việt Nam chúng ta giải trí với những trò chơi gì? RFI việt Ngữ đặt câu hỏi này với Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, Phó giám đốc thư viện Hán Nôm, Hà Nội.

Trước hết Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện nhắc đến nhiều hình thức giải trí khác nhau trong dân gian vào dịp Tết nguyên đán : từ các trò chơi ở trong nhà như tổ tôm, tam cúc ... đến các trò chơi mang tính thể thao hay gợi lại những trang sử chống xâm lăng của người Việt. Bên cạnh đó còn phải kể đến các lễ hội làng, như hội Lim, hội chùa Hương, hội Và ...

Nhưng trong mắt của nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Diện, với năm tháng, nhiều lễ hội truyền thống của Việt Nam đã bị "kịch bản hóa" và nét đa dạng văn hóa, nghệ thuật của các lễ hội làng đang bị mai một.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, Phó giám đốc thư viện Hán Nôm, Viện Hán Nôm-Hà Nội:



Nguồn: RFI

Read more ...

Website counter