Vì sao ta phải sống trên đời? hay mục đích của cuộc sống

Có khi nào bạn tự hỏi: vì sao mình lại phải tồn tại trong cuộc đời này? Mình sinh ra để làm gì?
 
Nếu một ngày kia mình không còn nữa, thì có ảnh hưởng đến ai không? Thì thời gian vẫn trôi, thì mặt trời vẫn mọc, thì những vì tinh tú cũng đâu ngừng sáng, thì người ta vẫn sống. Vậy mình sinh ra để làm gì khi sự tồn tại của mình quả không cần thiết?
 
Này bạn ạ, sao lại không cần thiết, khi bản thân mình là một tuyệt khắc của thượng đế không có sự trùng lặp. Bạn là một cá nhân đặc biệt với hình hài và bản chất không hề giống với 6,5 tỉ người còn lại trên trái đất.
 
Người mẹ sống vì con, người thầy sống để dạy bảo học trò, ca sĩ sống và hát vì khán giả, bác sĩ sống để cứu lấy sinh mạng của từng người. Chúng ta sống vì những người yêu thương ta và vì những người ta yêu thương.
 
Trong cuộc sống, niềm vui không được in đậm bằng nỗi buồn, sẽ có lúc bạn cảm thấy sự tồn tại của mình là không cần thiết. Hãy nhớ những điều sau đây:
 
Bạn phải có mặt trên cuộc đời này, để điều đầu tiên bạn nhìn thấy là giọt nước mắt hạnh phúc của mẹ và nụ cười của cha, sau 9 tháng 10 ngay bạn chuẩn bị cho hành trình cuộc sống. Bạn phải sống để đáp lại tình thương và công ơn dạy dỗ của cha mẹ – những người cho bạn biết đến cuộc đời này.
 
Sự có mặt của bạn trên cuộc đời này là một món quà có giá trị vô cùng đặc biệt cho một ai đó. Và nếu bạn đột nhiên biến mất thì sẽ là một sự mất mát rất lớn không gì có thể bù đắp được.
 
Bạn phải sống vì bạn là một thành viên của một tập thể lớp, bạn sống để cảm nhận tình thầy trò và bạn bè, sống để hạnh phúc và mang lại tiếng cười cho những người bạn trong lớp.
 
Bạn phải sống để lắng nghe và chia sẻ cảm xúc với những người bạn thân nhất của mình. Nếu họ không có bạn bên cạnh, cũng như bạn không biết đến họ, cuộc sống của bạn sẽ không còn ý nghĩa. Bạn bè là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Bạn phải sống vì bạn là một người bạn tốt mà ai đó rất yêu quý.
 
Bạn phải sống để cảm nhận những rung động đầu đời với một ai đó đặc biệt, sống để biết trái tim đập loạn nhịp khi yêu và được yêu. Bạn phải sống vì sự tồn tại của bạn khiến người khác hạnh phúc mặc dù bạn không làm gì cả, nhưng khi bạn có mặt trên cuộc đời này thì người ấy đã cảm ơn thượng đế vì điều đó.
 
Bạn phải sống để học tập và cống hiến cho quê hương đất nước, nơi nuôi bạn lớn lên từng ngày. Sống để cảm nhận nhịp đập giữa lòng thành phố, để mang niềm yêu và niềm tự hào của quê cha đất tổ.
 
Khi lớn lên, bạn sống để cho ra đời một sinh linh bé nhỏ, để cho con bạn biết đến cuộc sống. Rồi bạn mới biết ngày xưa mẹ của mình đã tự hào thế nào khi bạn cất tiếng khóc chào đời.
 
Cuộc sống đã làm một điều lớn lao là giành cho bạn một chỗ trên đời, cho nên bạn phải biết ơn và đừng phí phạm vì điều đó.
 
Ban chỉ sống và cống hiến cho đời một lần rồi ra đi mãi mãi, như những bông hoa chỉ nở một lần rồi chết, nó nở hết mình, làm đẹp hết mình cho đời rồi héo úa tàn phai.
 
Chúng ta sống đâu phải chỉ cho mình mà còn sống cho những người xung quanh và cho xã hội này. Cuộc sống đã tươi đẹp biết bao khi có bạn, cha mẹ họ hàng cũng hạnh phúc biết bao khi bạn ra đời, những người bạn cũng hạnh phúc khi bạn luôn bên cạnh họ. Bạn sống vì bạn là niềm hạnh, niềm tự hào và mong mỏi đối với những người khác.
 
Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên
Nhìn rõ quê hương, ngồi nghĩ lại mình
Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống
Vì đất nước cần một trái tim.
Sưu tầm
..................................

Suy ngẫm:

Những câu trả lời cho câu hỏi trên giả định là bạn đang sống với những kinh nghiệm của những người đã từng sống. Cách giải đáp trên cơ sở ràng buộc giữa cá nhân và xã hội, những quyền lợi và trách nhiệm của con người với xã hội, những điều tốt đẹp mà mỗi cá nhân đã và sẽ nhận được trên đời... Nhưng cuộc đời còn có mặt kia của nó chứ, của thất vọng, chán chường, bệnh tật và
đau khổ... Những câu trả lời thiên về thần học và siêu hình không đủ sức thuyết phục đối với tôi.

Tôi muốn tự đặt một câu hỏi khác, không phải là "Tại sao ta phải sống?" hay "Mục đích sống của tôi là gì?" (vì nó đã ẩn chứa đâu đó cái mầm mống "sống" sẵn rồi) mà là "Tại sao tôi phải tồn tại?". Nếu tôi không tồn tại thì thế giới này vẫn vận hành, tôi chẳng có ràng buộc gì với xã hội này cả, chẳng có khổ đau và sung sướng, một trạng thái chẳng tuyệt vời ư? Vậy nên tôi ước là tôi chưa từng tồn tại trên thế giới này.

Nhưng tôi đang tồn tại rồi, đã ràng buộc vào cuộc sống rồi nên nhất quyết phải tìm ra một con đường và sống sao cho có ý nghĩa (mưu cầu hạnh phúc cho bản thân và xã hội).

..................................

Mục đích của cuộc sống (Trích từ cuốn "Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm vĩ đại" của Dr. Mortimer J. Adler)

Thưa tiến sĩ Adler, Đối với tôi thì câu hỏi quan trọng nhất trong tất cả là mục đích của cuộc sống. Chúng ta đang làm gì trên trái đất này? Số phận của chúng ta là gì? Các tư tưởng gia khác nhau giải quyết câu hỏi cấp thiết và khó hiểu nhất này như thế nào?

C.L.V. thân mến,
 
Chúng ta hãy bắt đầu bằng việc truy vấn mục đích của câu hỏi về mục đích của cuộc sống. Trong đầu con người nghĩ gì khi họ hỏi câu hỏi này. Việc hỏi nó là một hiện tượng đặc biệt con người. Những sinh vật khác chỉ tồn tại và cứ tiếp tục đuổi theo những mục đích tự nhiên của chúng một cách mù quáng – tiếp tục là một cái cây hay một con chim hay một tảng đá. Chính niềm tự hào hay nỗi khốn khổ riêng biệt của con người khiến anh ta thường xuyên đưa ra câu hỏi về mục đính tồn tại của chính anh ta.
 
Vậy những ai nêu ra câu hỏi này đang cố khám phá điều gì? Có phải họ hỏi về số phận mà Chúa đã định cho con người phải hoàn thành qua cuộc sinh tồn của anh ta trên cõi thế không? Liệu con người có mục đích tối thượng nào xa hơn phạm vi kinh nghiệm trần thế của anh ta không? Và nếu thế, anh ta phải làm gì để đạt được nó? Học thuyết về nước Chúa của Thiên chúa giáo như là số phận tối hậu của con người là một trong những câu trả lời cho câu hỏi này.
 
Con người đang tự hỏi liệu đời người có thể trở nên có ý nghĩa trên trái đất này bằng cách đạt được tất cả những sự hoàn hảo mà nó có khả năng đạt được không? Theo triết lý của Aristotle, mỗi loại sinh vật đều hướng tới việc hoàn thiện bản chất của riêng nó. Vì vậy, đối với con người, mục đích của cuộc sống là đạt tới những phẩm chất tạo thành hạnh phúc.
 
Trái với những tư tưởng triết học và thần học về số phận con người nói trên, câu hỏi của chúng ta có thể xuất phát từ một niềm tin về tính phi chủ đích của vũ trụ vật chất này nói chung. Xem xét thế giới xung quanh, chúng ta không thấy gì ngoài một chuyển động quay tít của các nguyên tử trong một khoảng trống vô nghĩa. Cho dù chúng ta nhìn thế giới vật chất này như là một cõi hỗn mang và “bấp bênh” hoặc như một vũ trụ có trật tự, cuộc sống con người vẫn có vẻ vô nghĩa và không có giá trị. Mô hình các sự kiện vật chất đó không phải là câu trả lời cho trái tim và khối óc đang truy vấn của con người. Mọi ngành khoa học đều im lặng khi con người hỏi, “Tôi đang làm gì ở đây? Tôi từ đâu đến? Tôi sẽ đi về đâu? Mục đích cuộc sống của tôi là gì?”
 
Nhiều tư tưởng gia hiện đại, từng đối mặt với những câu hỏi cấp bách và rối óc này, đã không chấp nhận những quan điểm triết học và thần học truyền thống về mục đích và ý nghĩa của cuộc sống con người. Họ khẳng định rằng con người có thể và phải đặt ra những mục tiêu của riêng họ, tìm ra ý nghĩa trong việc sáng tạo và biến đổi bản chất của riêng họ. Theo quan điểm này, một con người thực sự phải sống vì mục đích cao cả mà anh ta tự đặt ra cho mình. Nếu anh ta không làm điều này, anh ta phải bị vây bọc trong nỗi tuyệt vọng vô bờ trước sự vô nghĩa của cuộc sống.
 
Theo tôi tất cả chúng ta sẽ đồng ý rằng câu hỏi này thật cấp bách và rằng nó đòi hỏi một câu trả lời và một cuộc sống phù hợp với câu trả lời. Mặt khác việc trả lời câu hỏi này đòi hỏi chúng ta có quan điểm bao quát về Chúa, vũ trụ, và con người. Một hiểu biết về con người và bản chất của anh ta là cần thiết, nhưng chưa đủ để đưa ra một giải pháp về vấn đề ý nghĩa cuộc tồn sinh của con người. Chúng ta cũng phải hiểu vị trí của con người trong vũ trụ và trong mối quan hệ với tất cả những hữu thể hiện có trên đời. Và chúng ta phải thấy anh ta trong mối quan hệ với sức mạnh tối thượng thống trị vũ trụ và tất cả những thứ trong đó.
 
Con người không đơn độc trong vũ trụ, và chúng ta không thể hiểu anh ta khi tách anh ta khỏi những thứ còn lại.
 
Điều này có vẻ giống một chương trình dài hạn và đúng thế – cũng dài như chính cuộc sống vậy. Nó đòi hỏi việc nghiên cứu siêu hình học và thần học, cũng như đạo đức học và tâm lý học. Nó đòi hỏi kinh nghiệm và sự thông thái vốn chỉ có thể có được sau khi sống và nỗ lực rất nhiều.
 
Đây chính là điều gây bối rối ở câu hỏi này. Nó thật cấp bách, nó đòi hỏi một câu trả lời tức thì, nhưng lại đòi hỏi sự suy gẫm một cách cẩn thận và kiên nhẫn đến hết cả đời người. Nhưng “đó là cuộc sống” như tục ngữ nói. Làm người thật chưa bao giờ là chuyện dễ dàng.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Website counter