Tầm nhìn xa

Truyện đã được Nguyễn Khải viết gần 50 năm trước nhưng vẫn còn những giá trị nóng hổi cho hiện tại và tương lai.

Một trích đoạn trong “Tầm nhìn xa”:

--------------&&&--------------

Mỗi lần đến nhà Tuy Kiền, Biền đều cảm thấy ở đây có cái không khí đặc biệt mà các gia đình cán bộ xã khác không thể có: Đó là sự dư dật, thừa thãi, cái không khí làm ăn phát đạt, thịnh vượng. Một hình ảnh vừa khó chịu, vừa hài hước đã in sâu vào ấn tượng của Biền trong một lần anh đến nhà Tuy. Lần đó vào buổi sáng. Vừa len qua những chồng gỗ đang bào dở để ngổn ngang ở ngay lối ra vào, Biền nhìn vào ngách nhà ngang đã thấy các anh thợ mộc và thợ xẻ ngồi quây quanh một cái rá lớn khói bốc nghi ngút. Anh hỏi đùa Tuy:

– Nhà này ăn cơm ba bữa hử?

Tuy chạy vội ra vẻ hốt hoảng:

– Cơm đâu, còn ít ngô chia hôm nọ mỗi sáng đem đồ lên một ít cho anh em lót dạ đấy thôi.

Tuy sới một bát mời Biền, ngô trồng ở bãi mới bẻ, lại pha thêm ít nếp nên vừa dẻo vừa thơm. Đứa con trai út của Tuy Kiền đã lên bảy, nằm tồng ngồng giữa giường lúc ấy vừa ngủ dậy. Nó vẫn nằm, đưa hai chân dài nghêu ngao đập chan chát xuống thang giường, hét ầm ĩ: “Bầm! Bầm đâu rồi!” lập tức bà mẹ từ dưới bếp tất tả chạy lên, đôi khuyên vàng đeo ở tai lúc la lúc lắc: “Thằng chó con đã dậy đấy hử? Bầm lấy nước con súc miệng nhé!”. Trong khi thằng bé ưỡn ẹo, quát tháo, thì cả nhà đã xúm quanh nó, người đưa chén nước, người cầm một bát xôi trắng đầy, van nài, mời mọc: “Em súc miệng đi!”, “Súc miệng ăn xôi rồi bầm cõng con đi chơi nhé!” Biền đưa mắt nhìn toàn thể cái cảnh tượng đặc biệt đó, mủm mỉm cười với chính mình: “Phú quý sinh lễ nghĩa, bây giờ lại học được cách sống của những nhà đại gia đây!”.

Người vợ của Tuy Kiền xách ấm nước đun sôi lên pha vào tích, những chấm lửa còn cháy đỏ ở đít ấm nhấp nháy, trong hơi khói đã phảng phất mùi thơm của hoa nhài. Biền thầm nghĩ một cách thèm muốn: “Nếu mình có được một gói chè ngon thì cũng chẳng thể pha uống một cách nhàn rỗi như ở đây được”. Rồi anh hỏi Tuy:

– Nhà này bao giờ thì ông cho dựng? Tuy Kiền lấy khăn lau thong thả từng cái chén một liếc nhìn Biền, trong bụng đă phân vân: “Thằng này tuy mới ở bộ đội về nhưng cũng tinh khôn chẳng kém gì mình đâu. Nó hỏi vậy chắc là đã có ý gì!“.

Ông ta rót một lượt nước, và đã tìm được câu trả lời thích hợp:

– À, được mùa thì làm rấn lên, mất mùa thì lại thong thả, việc gì mà vội. Biền hớp một ngụm nước, nói với anh cán bộ Ty Kiến trúc:

– Anh có nhận thấy ông phó chủ nhiệm của chúng tôi làm nhà khác đời không. Nhà dưới làm trước, nhà trên làm sau, cánh cửa đóng trước, khung nhà dựng sau. Đến là ma quái. Tôi thì biết tỏng cái mẹo của ông rồi.

Mồm Tuy Kiền hơi há ra như cười, ông ta nhìn Biền hết sức thơ ngây:

– Mẹo gì, thế là anh có thành kiến với thằng này rồi nhé – Tuy quay sang phía anh cán bộ phân trần – Sở dĩ phải làm cái bé trước, cái lớn sau cũng là do rút kinh nghiệm làm nhà của ông bí thư đấy thôi. Chẳng là lực mình có hạn, có khi nhà xây gạch, lợp ngói hẳn hoi mà lại chịu không làm được bộ cửa, vì hết gỗ, hết tiền rồi. Chi bằng làm theo cái cách của tôi tuy có dềnh dàng, nhưng nhà đã dựng lên là lập tức kín ngay. Rồi Tuy nói tránh sang chuyện khác.

– Ngày anh Sĩ mua gỗ chuẩn bị làm nhà tôi đã đến xem xét một lượt, rồi tôi bảo: “Dựng nhà năm gian mới có từng này gỗ là thiếu đấy!”. Anh chàng còn nói kháy tôi: “Tớ hãy còn thừa mấy cây xoan, bên cậu có thiếu tớ để lại”. Khốn khổ, dân bộ đội mới về đã biết tính toán chuyện làm ăn là thế nào. Nửa tháng sau tôi mới nhắc: “Định để cho tôi mấy cây đấy!”. Lúc ấy mặt ông bí thư mới nhăn lại: “Cánh thợ mộc làm ăn thế nào hóa ra thiếu bét cả”. Đấy, làm nhà mà tính toán không chặt chẽ thì có khi phải trả nợ hết đời… Tôi mà là thằng xỏ lá, tôi khuân mẹ nó mấy cây xoan về thì đã làm gì được tôi tốt.

Tuy nghiêng mặt về phía anh cán bộ, nét mặt rạng rỡ hẳn lên vì sự khôn ngoan của mình:

– Anh được cấp trên cử về giúp đỡ anh em chúng tôi, chúng tôi cảm ơn các anh lắm.
(Biền nghĩ: lão này đang vui vẻ đến tột bực đây). Cho nên tôi cũng chẳng dám giấu giếm anh điều này. Tôi thì văn hóa rất kém anh ạ, nếu anh bảo tôi đặt lên giấy một con tính cộng chẳng hạn chưa chắc tôi đă làm nổi. Nhưng tính nhẩm thì phải biết – Tuy cười rất to – dù có phải tính toán một lúc hàng trăm khoản, tôi cũng không nhầm bao giờ. – Ông ta lại quay sang Biền – Hôm nọ thằng Bài ra cho tôi một bài tính đố, cái loại tính trẻ con ấy mà, nó đọc vừa xong thì mình đã nghĩ ngay ra đáp số, nhưng đặt con tính rành mạch, thứ tự lên trên giấy thì chịu, cái thằng mất dạy, nó bắt tôi ngồi cắn bút cả một buổi. Trời ơi, tôi chỉ cần ngồi một tiếng, hợp tác xã cũng đã thiệt bao nhiêu là tiền rồi. Biền khẽ bấu vào tay anh cán bộ Ty Kiến trúc: – Ông ấy vẫn chưa hở cái ngón chính ra với anh đâu.
Anh kia chỉ mỉm cười e thẹn. Chuyến đi xuống xã đầu tiên của anh đã có những kết quả tốt đẹp, người ta đã yêu mến anh, đối đãi với anh hết sức bình đẳng, coi anh như một cán bộ của xã, lại còn mời anh tham dự vào một câu chuyện thầm kín của bọn họ. Tuy vừa có vẻ giận dữ, vừa cười cợt:

– Còn ngón nào nữa. Anh đa nghi như Tào Tháo ấy. Biền cuộn một điếu thuốc rời, cười mủm mỉm:

Chỉ có lão Sĩ là dại thôi. Bây giờ cả xã này họ đồn nhau là nhà ông Sĩ to nhất xã, nhưng theo tôi thì nhà ông Tuy Kiền mới to nhất xã.

Tuy xoay người trên ghế rồi duỗi một chân ra:

– Bậy! Bậy!

– Lại chẳng phải ư. Nhà ông Tuy chỉ cọc cạch đóng mấy cái cánh cửa, lên ngói cho hai gian nhà dưới, thật là khiêm tốn nhé. Nhưng một lúc nào đó, trong dư luận bớt xôn xao cái chuyện làm nhà của cán bộ chẳng hạn, thì chỉ trong vòng mươi hôm thôi, ông sẽ cho dựng toàn bộ năm gian nhà lên nhanh chóng, gọn ghẽ như có phép tiên vậy. Đến lúc ấy hàng xã mới ngã ngửa ra, nhưng… nhưng “tao đã làm xong tất cả rồi, chúng mày làm gì nổi được tao”. Tuy vụt đứng dậy, kéo cái điếu lại phía mình, lấy mảnh bẹ dừa quét tàn thuốc bám lên bát điếu, nói bằng thứ giọng rất trầm:

– Vậy ông chủ nhiệm bảo tôi là mộ
t thằng gian chứ gì.
Vì gian nên mới phải dùng mưu mẹo để lừa người chứ sao nữa. Hỏng, hỏng thật đấy! Cũng vì hợp tác xã mà tôi chót mang tiếng là thằng xảo quyệt mất rồi. Biền lơ đãng nhìn vào điếu thuốc đưa lên ngang mặt, một mẩu tàn trắng xốp rụng xuống mặt bàn. Tuy cầm mảnh giẻ lau với sang, nói làu bàu:

– Cơm nhà việc nước đến vợ cũng không thể nhờ giã được cối gạo. Nói có hai anh, nếu tôi chỉ là anh xã viên thường thì còn có thể làm được nhà gạch mười gian kia.
Biền vẫn giữ được nụ cười rất trẻ của anh:

– Cán bộ xã này kể cũng hay thật. Từ ông bí thư trở xuống hễ bị chạm một tí là đã có thể nổi giận lên, xin thôi công tác được rồi. Như người đi làm mướn cho Nhà nước hay sao ấy…

Tuy cướp lời:

– Làm mướn thật đấy, lại chẳng được đồng công nào, còn biết bao nhiêu những chuyện bực mình khác. Theo tôi cứ đem cột cổ những thằng nói láo lại là êm hết…

– Nhỡ những chuyện họ nói lại có thật thì sao?

– Thì ra đến chính ông chủ nhiệm cũng tin là có tham ô tập thể ư? Nếu vậy thì tội ông còn nặng hơn chúng tôi nhiều.

– Tham ô thì không có nhưng lợi dụng chút ít thì cũng có.

Tuy đă gần như phát cuồng lên:

– Đừng có giở thứ giọng lấp lửng ấy ra nữa. Anh thử vạch mặt những thằng lợi dụng hợp tác xã cho tôi xem nào.

– Cái việc mua gỗ của công trường thì rõ ràng là lợi dụng rồi.
Giọng nói của Tuy hơi dịu đi:

– Xã ta mua, các xã khác họ cũng mua, bàn dân thiên hạ đều mua. Còn tôi với anh Sĩ, anh Khuyến mua được mười xe là vì lúc ấy công trường họ cũng bán cho cá nhân, còn sau này họ lại không bán nữa thì đó là quyền của họ. Sao lại đổ lên đầu chúng tôi. Mới lại đổ thế nào được, mua gỗ thì trả tiền, còn hóa đơn đây, công vận chuyển cũng thanh toán với tài vụ hợp tác xã không thiếu một xu… Ai dám thắc mắc nào…

Biền không cười nữa, hai g̣ò má của anh đă hơi ửng đỏ:

– Ông cũng biết đấy, xã viên họ không thiếu tiền, họ chỉ thiếu gỗ thôi. Có đủ gỗ bán thì xóm này lên ít nhất mươi cái nhà mới nữa. Tôi nói thực: nếu ông là xã viên thường, tôi thách ông mua nổi một lúc ba bốn xe gỗ tốt như thế đấy. Những người đứng đắn thì họ phàn nàn rằng chúng mình làm việc thiếu rành mạch, còn những đứa xấu thì phao tin cán bộ xã lấy tiền công mua gỗ tư, chọn gỗ tốt cho mình, loại gỗ xấu cho hợp tác xã. Ai mà thanh minh cho hết được.Một sự đã không tin thì trăm sự khác cũng không thể hoàn toàn tin. Khi đã mất lòng tin thì có bảo gì nhau cũng khó. Người ta sẽ chán nản, sẽ phân tâm, sẽ tính toán đến chuyện ra, chuyện ở. Người lãnh đạo có muốn nói chuyện với họ cũng ngượng mồm, có đấu tranh với những đứa xấu cũng thiếu kiên quyết. Mối nguy là ở chỗ đó.

Tuy Kiền im lặng một lúc lâu, rồi ông ta thở dài sườn sượt, mắt nhìn đi phía khác, nói lủng bủng:

– Lắm chuyện! Thật lắm chuyện!

Biền đă trở lại bình tĩnh hơn, anh nói bằng cái giọng thì thầm tâm sự:

– Hôm nọ tôi ra lò gạch thấy hai bố con ông bủ Sắc đang chọn gạch vỡ, mỗi người cầm một cái dùi sắt gõ cành cạch vào mặt gạch, viên nào chắc thì lấy, viên nào non quẳng ra. Họ xếp lên xe bò từng viên một, đẩy xe đi không lúc lắc một chút nào. Có ba đồng một xe gạch vỡ, thật rẻ, vừa bán vừa cho còn gì. Nhưng xã viên họ mua thì được, còn nếu một anh cán bộ xã nào đó mà lại vớ được một xe gạch tốt như thế thì hôm nay người ta đã đồn ầm lên rằng chúng ta lợi dụng quyền hành cướp lấy món hời. Ngay đến một việc rất nhỏ nếu không giữ ý thì cũng có thể trở thành tiếng đồn lớn. Như trưa hôm nay tôi đi họp trên tỉnh về, vừa đạp xe đến đầu xóm đã thấy một đám người xúm quanh lấy nong thịt trâu vừa mổ, vòng trong, vòng ngoài, có dễ đến hàng chục bàn tay cùng đặt vào một miếng thịt. Tôi đã xuống xe, định bụng vào mua một miếng, thức ăn đang khem, có ít thịt kho lên cho trẻ ăn cũng được vài bữa. Nhưng nghĩ đi rồi nghĩ lại, lại thôi, vì chỉ cần tôi nói với vào một câu: “Ông Lụng để cho tôi một cân nhé” là lập tức ông lão sẽ chọn một miếng ngon nhất đưa ra. Nhưng nhìn theo miếng thịt ấy sẽ có hàng trăm con mắt, và sau đó sẽ là hàng trăm lời bàn tán xì xào. Miếng thịt không đáng là bao, cũng không cướp giật từ tay người nào, nhưng có thể từ sau lúc tôi cầm cân thịt người ta sẽ nhìn tôi bằng con mắt khác, nghe tôi nói với cái tai khác, nghĩ về tôi với những ý nghĩ khác. Đấy, vị trí của chúng ta khó khăn là thế đấy, cho nên phải có tầm mắt nhìn xa hơn mọi người, đừng để những mối lợi vặt vãnh nó ràng buộc mình.

Có thể Tuy Kiền đã nghe ra, nhưng chẳng nhẽ lại chịu một cách dễ dàng cái thằng kém mình những hơn chục tuổi, mới chân ướt, chân ráo trở về xã lên mặt dạy dỗ mình, bày cách lãnh đạo cho mình, nên ông ta vẫn giữ vẻ mặt khó khăn và trả lời hết sức gay gắt:

– Chẳng phải đến hôm nay tôi mới được biết những chuyện này. Người ta vẫn chửi cạnh tai tôi đấy. Họ còn viết cả gạch non lên tường chuồng tiêu ở trụ sở rằng: “Đ. mẹ thằng Tuy Kiền, mày chết đi để chúng ông được sống”. Song tôi lại nghĩ: “Dân không biết công cho mình thì Đảng sẽ biết công của mình” nên tôi vẫn làm việc, làm hết sức mình. Nhưng đến bây giờ thì Đảng cũng nghi ngờ tôi nốt, mọi tội đều đổ lên đầu tôi. Còn các người thì trong sạch. Vậy xin nhường các người cáng đáng lấy việc dân, việc nước, tôi xin rút về -Tuy quay lại, cố giữ một vẻ mặt hoàn toàn lãnh đạm – Ngày mai xin đồng chí chủ nhiệm cắt cử người khác ra phụ trách lò ngói, lò gạch, ban cá, từ rày tôi còn có nhận việc gì tôi chỉ là giống con chó.

Biền nhìn Tuy rồi nhe răng cười, chỉ một chút nữa thì Tuy cũng cười nốt, nhưng ông ta vội vàng cau mặt lại và càng hét to hơn lên:

– Lần này thì dứt khoát, chịu đựng với hợp tác xã như thế là đủ rồi. Tôi không dọa dẫm các anh đâu.

Anh cán bộ nhìn Biền hơi kinh ngạc: “Lại to chuyện đến thế ư?”. Nhưng cái nhìn của Biền vẫn hết sức bình thản: “Tính ông ấy vốn thế, kệ ông ta!”.

31-7-1963

1 nhận xét:

Ẩm thực Hàn Quốc và Sức Khoẻ nói...

Toàn cảnh khu đô thị Long Hưng từ drone view

Đăng nhận xét

Website counter