Bản dạ khúc bí ẩn của Chopin


Những Dạ khúc (Nocturnes) của Chopin - "nhà thơ của cây đàn Piano", thuộc vào số những sáng tác nổi bật nhất của tác giả và cả thế loại này.

Bản nhạc: Chopin - Nocturne Đô thứ Op.48 (Nocturne No. 13, Op. 48 in C Minor 1)
Biểu diễn: Arthur Rubinstein

Đó là tiếng những giọt nước trong đêm, cô quạnh và lạnh lẽo, rơi xuống chậm rãi từ mái hiên, hay là những mơ ước ngọt ngào ấm áp từ sâu thẳm tâm hồn dịu dàng và cao quý của người nhạc sỹ? Đó là những khát vọng tình yêu, những nỗi nhớ nhung bí ẩn được gieo vào lòng người, hay là những đau đớn tê tái được cố gắng vùi lấp bởi một lý trí mạnh mẽ và quả cảm?...
Thật ra, nếu những câu ở trên có thể được dùng để miêu tả một cách trọn vẹn Nocturne giọng Đô thứ Op.48, bản Dạ khúc phức tạp nhất của Frédéric Chopin (22/2/1810 - 17/10/1849)*, thì có lẽ sự tồn tại của ngôn ngữ âm nhạc trong đời sống tinh thần của con người là không cần thiết.
Âm nhạc của Chopin, như lời nhà âm nhạc học Aranovski từng viết, "đi sâu vào tâm lý một cách vô cùng tinh tế, với những sắc thái tế nhị nhất mà người nghệ sỹ khó khăn lắm mới thu nhận được, những rung động của tâm hồn mà không lời nói nào diễn đạt được. Các giai điệu tuôn chảy một cách tự nhiên, âm hình trong trẻo, những nét lướt như những chuỗi ngọc trai trên nền hòa âm mềm mại - tất cả thấm đượm vẻ đẹp trữ tình, được tình cảm con người sưởi ấm."
Những Dạ khúc (Nocturnes) của Chopin - "nhà thơ của cây đàn Piano", thuộc vào số những sáng tác nổi bật nhất của ông và chúng cũng là những tác phẩm nổi tiếng nhất của thế loại dạ khúc. Hình thức chung của những bản dạ khúc này là một phần phát triển kịch tính được xen giữa những chủ đề giai điệu mở đầu và kết thúc. Những giai điệu được hát, hát một cách thực sự trên cây đàn piano, đẹp, thơ mộng, trữ tình và tao nhã. Tính chất hát trong những dạ khúc Chopin vẫn được so sánh với trưng bel canto (hát đẹp) trong âm nhạc quyến rũ của Bellini (nhà soạn nhạc opera Ý nổi tiếng).
Và như nhà soạn nhạc kiêm nghệ sỹ piano vĩ đại Franz Liszt từng viết: "Chỉ duy nhất một thiên tài như Chopin mới đem lại cho thể loại dạ khúc tính chất nhạy cảm tinh tế và tình yêu mãnh liệt nồng cháy đến thế. Các dạ khúc thơ mộng của Chopin không chỉ hát lên những bài ca du dương lòng người với những hoài niệm thanh cao dịu ngọt, mà còn lay động đến tâm trí con người những nỗi day dứt hoang mang đến khó thở."
Không đặc biệt nổi tiếng như Nocturne Đô thăng thứ (được dùng trong bộ phim "The Pianist") nhưng Nocturne Đô thứ Op.48 được các nhà phê bình âm nhạc đánh giá là một trong những cảm xúc tuyệt vời và sâu sắc nhất mà Chopin từng đạt tới, một trong những dạ khúc dài nhất và kịch tính nhất. Nó cũng là một tác phẩm đặc biệt phức tạp về kỹ thuật, đạt đến hiệu quả khí nhạc tinh xảo và ấn tượng mạnh mẽ một cách bất thường.
Mang đặc trưng của một tác phẩm được viết ở giọng Đô thứ, đặc trưng anh hùng ca, quả cảm, gian truân, người ta nhận thấy ở trong nó một bi kịch nội tâm, sự chiến đấu giằng xé giữa tình yêu nồng ấm và nỗi tuyệt vọng đến lặng người. Vẻ ngoài ềm đềm thản nhiên không thể che giấu nổi nỗi đau u uất nghẹn ngào, và chính những giai điệu êm đềm ấy lại đột trở nên xáo động dồn dập, và để rồi, sụp đổ trong những âm hình nghiệt ngã...
* Ngày sinh của Chopin thường được người ta ghi là 22/2 nhưng bản thân Chopin thì luôn đưa ra ngày sinh của ông là 1/3. Điều này đang làm giới âm nhạc có phần bối rối dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của nhà soạn nhạc piano vĩ đại.

Read more ...

Thiên Chúa, tình yêu và sex trong bài ca Hallelujah của Leonard Cohen


Bài đăng ngày 01/01/2010 Cập nhật lần cuối ngày 22/01/2010 14:10 TU
Ca sĩ Leonard Cohen(DR)
Ca sĩ Leonard Cohen
(DR)
Tại phương Tây, có một bài ca rất được giới trẻ yêu chuộng, đặc biệt vào mùa Giáng sinh. Thoạt nghe, tưởng lầm là một bài Thánh ca, vì cái tên của nó là Hallelujah. Tác phẩm này do Leonard Cohen soạn nhạc và lời. Hallelujah có nghĩa là “Tạ ơn Thiên chúa”.





Tuy nhiên, đằng sau nhiều hình tượng thánh thiện, đây là tiếng kêu não nùng của con người trần tục gọi Thiên chúa, nhưng Ngài vắng mặt, và hoài niệm tình yêu này chỉ còn là đổ vỡ. Nghe kỹ bài Halleluyah, thính giả sẽ khám phá, bài ca này kể về lòng ham muốn, nỗi đam mê nhục dục, bước sa cơ và mất mát trong thân phận bèo bọt một con người khao khát điều Vĩnh Hằng.
Hallelujah trong tiếng Do thái có nghĩa là “Rạng danh Yahveh” và Yahveh là Thiên chúa. Người Do thái thốt lên câu Hallelujah để tỏ lòng biết ơn Thiên chúa.
Alexandra Burke - Hallelujah


Bài ca này có 5 đoạn, trong phiên bản Jeff Buckley.
Đoạn 1 như sau:
I’ve heard there was a
secret chord
That David played,
and it pleased the Lord
But you don’t really care
for music, do you ?
It goes like this
The fourth, the fifth
The minor fall,
the major lift
The baffled king composing
Hallelujah …
Nghe kể rằng có một
hợp âm bí mật
Mà David đã chơi
và hài lòng Chúa
Nhưng em thiết gì
đến âm nhạc, phải không em ?
Này nhé, nó như vậy:
Quãng tư, quãng năm
Điệu thứ trầm,
điệu trưởng vút cao
Vì vua thất sủng soạn bài
Hallelujah …
David là nhân vật trong Kinh thánh. Một số nhà khảo cổ khẳng định đây là nhân vật lịch sử, nhưng quan trọng hơn cả đối với đông đảo người phương Tây, David là biểu tượng của một vị anh hùng, bởi vì theo Kinh thánh, David đã chiến thắng tên khổng lồ Goliath. Văn võ song toàn, David vừa là một chiến sĩ, vừa là nhà thơ và nhạc sĩ. Do đó hình tựong David thường được biểu hiện trong tranh với một chàng thanh niên ôm chiếc đàn harpe.
Trước khi lên làm vua, David phục tùng Vua Saül và cưới công chúa Mikhal, nhưng uy danh của David ngày càng được thiên hạ tán tụng. Vua Saül đem lòng ghen ghét con rể của mình và sai người thủ tiêu David. Nhờ vào Jonathan, David đã thoát nạn.
Do đó, trong bản Hallelujah của Leonard Cohen, David được gọi là vị vua bị thất sủng và trong cơn thử thách, David đã soạn bài Halleluyah.
Đoạn thứ hai như sau :
Your faith was strong but
you needed proof
You saw her bathing
on the roof
Her beauty and the
moonlight overthrew you
She tied you
To a kitchen chair
She broke your throne,
and she cut your hair
Anh from your lips she
drew the Hallelujah
Hallelujah …
Lòng tin của người mạnh mẽ nhưng người vẫn cứ cần bằng chứng
Người nhìn thấy nàng tắm
trên mái hiên
Sắc đẹp của nàng và
ánh trăng đã làm người gục ngã
Nàng trói người
Vào chiếc ghế trong căn bếp
Nàng đập vỡ ngai vàng của người
Nàng cắt tóc người
Và từ đôi môi người
nàng giành lấy câu Hallelujah
Hallelujah …
Hình ảnh “Người đã nhìn thấy nàng tắm trên mái hiên” cũng liên quan đến David. Vì vua , một đêm nhìn trộm Bathsheba đang tắm. Say mê trước sắc đẹp của Bathsheba, David chiếm đoạt nàng và sai người hạ sát chồng của Bathsheba. Vì tội này David phải chịu sự trừng phạt của Chúa.
Kế đến câu: “Nàng đập vỡ ngai vàng của người, nàng cắt tóc người” đề cập đến một nhân vật khác của Kinh thánh là Samson. Người hùng Samson bị Dalila mê hoặc và tước đoạt sức mạnh bằng cách cắt trụi mái tóc của anh. Bởi lẽ bí mật toàn bộ năng lực của Samson nằm ở bộ tóc.
Ở đoạn này, vì một phút yếu lòng trước người đẹp, cả David và Samson sa ngã.
Hoàn cảnh của Samson còn tệ hại hơn David. Sau khi bị Dalila bị mê hoặc và phản bội, Samson đã trở thành bất lực.
Ca sĩ Jeff Buckley(DR)
Ca sĩ Jeff Buckley
(DR)
Đoạn 3 như sau:
Baby I have been here
before
I’ve seen this room,
I’ve walked this floor
I used to live alone before
I knew you.
I’ve seen your flag
on the marble arch
Love is not
a victory march
It’s a cold and
it’s a broken Hallelujah
Hallelujah …
Em yêu, anh đã đến đây
ngày trước
Anh đã nhìn thấy căn phòng này
Anh đã từng bước vào nơi đây
Anh sống một mình
Thủa chưa gặp em
Anh nhìn thấy lá cờ em
cắm trên vòm cẩm thạch
Nhưng tình yêu đâu phải
là hành khúc chiến thắng
Tình yêu chỉ là một Hallelujah
lạnh buốt và tan nát
Hallelujah …
Đoạn 4:
There was a time
when you let me know
What’s really going on
below
But now you never show
that to me do you
But remember
when I moved in you
And the holy dove
was moving too
And every breath
we drew was Hallelujah
Hallelujah …
Đã có một thời em
không hề giấu anh
Những gì thực sự diễn ra
thầm kín
Giờ đây, em chẳng còn để lộ
cho anh thấy nữa phải không em.
Hãy nhớ
khi anh chuyển động trong em
Bồ Câu Thánh
cùng chuyển động theo
Mỗi nhịp thở đôi ta
đều là câu Hallelujah
Hallelujah …
Ở đây, tình yêu đã nguội lạnh cho dù cuộc ân ái đã tạo được Phúc Phận (do hình ảnh Bồ câu Thánh cùng chuyển động theo).
Đoạn cuối như sau:
Maybe there’s a god above
But all I’ve ever learned
from love
Was how to shoot somebody
who outdrew you
It’s not a cry
that you hear at night
It’s not somebody
who’s seen the light
It’s a cold
and it’s a broken Hallelujah
Hallelujah …
Có thể có Chúa trên trời
Nhưng điều duy nhất tôi học được
từ tình yêu
Là thanh toán kẻ nào
cao tay hơn mình
Không phải tiếng khóc
nghe trong đêm tối
Không phải ai đó
tìm được ánh sáng
Nó chỉ là một Hallelujah
lạnh buốt và tan nát.
Hallelujah …
Bài ca kết thúc với trải nghiệm cay đắng : Phải hạ gục, thanh toán đối tượng ta đã trót yêu. Leonard Cohen sử dụng động từ “shoot” tức là bắn bỏ. Khi tình yêu đã trở thành cuộc đối đầu lạnh buốt và đầy đổ vỡ.
Ca sĩ Jeff Buckley(DR)
Ca sĩ Jeff Buckley
(DR)
Jeff Buckley - Hallelujah


Ở đây, cần nhắc lại hình ảnh “Nàng trói người vào chiếc ghế trong căn bếp”. Căn bếp tại Âu Mỹ tượng trưng cho mái ấm gia đình, nơi mọi người họp mặt. Nhưng ở đây, nó là biểu tượng của một cái bẫy, trong đó người đàn bà đã giam hãm người đàn ông, đã trói buộc ông như một loài gia súc. Trong nhiều bài thơ của Leonard Cohen, căn bếp là đấu trường, nơi diễn ra sự đối kỵ không nguôi giữa đôi nam nữ, như nước với lửa.
Xuyên suốt bài ca Hallelujah là chuỗi liên tưởng chuyển hóa từ truyền thuyết Thánh Kinh đến cảnh đời thường, bồi đắp cho nhau để thính giả chiêm nghiệm được một điều : Tình yêu Thiên Chúa và Tình yêu giữa con người đều chung số phận. Sau thưở ban đầu mơ tưởng về một hợp âm bí mật, một đức tin mãnh liệt, một mối tương đồng thiêng liêng, cuối cùng, chỉ còn một Hallelujah buồn thảm và lạc loài.
Về mặt giai điệu và tiết tấu, bài ca Hallelujah mang sắc thái một bài Kinh cầu, một lời nguyện, nói lên khát vọng về sự hòa hợp giữa nhục dục và tâm linh. Nhiều tôn giáo đã tôn vinh sự hòa hợp này, đặc biệt là Ấn Độ giáo, khi sex có khả năng đưa con người đến cõi thần bí. Ở đó, sự viên mãn trong giao hợp cho phép con người thăng hoa, nắm bắt được kích thước Vĩnh Hằng.
Nỗi buồn chuyển tải trong bài ca này cũng chính là sức mạnh của nó, sức quyền rũ đối với thính giả Tây Âu khi nó lay động một mạch tiềm ẩn sâu xa : Mạch ý thức tội lỗi trong quan hệ nam nữ, hay nói đúng hơn, ý thức về sự thất cơ của con người đánh mất Địa Đàng. Theo Kinh Mạc Khải, người đàn bà đã ăn trái cấm và đưa trái cấm cho chồng. Ăn xong, “họ đã sáng mắt và biết rằng họ trần truồng”.
Ca sĩ Leonard Cohen(DR)
Ca sĩ Leonard Cohen
(DR)
Một bài ca bền chắc như chiếc xe Volvo
Bài Hallelujah của Leonard Cohen xuất hiện lần đầu năm 1984. Bản thân ca sĩ Leonard Cohen đã trình diễn hai phiên bản khác nhau. Nghe nói đâu, phiên bản chính của bài ca này gồm 15 đoạn chứ không phải năm đoạn như ca sĩ Jeff Buckley đã trình diễn và được đại đa số nhà phê bình xem là phiên bản xuất sắc nhất. Theo những tiết lộ khác nhau của chính tác giả, thì Leonard Cohen đã tốn từ 3 đến 5 năm để hoàn thành tác phẩm này. Năm 1993, tác giả tuyên bố về bài Hallelujah rằng:
“Bản thân tôi cũng không hề ngờ rằng mình phải lao lực khó khăn đến như vậy, cho đến lúc tôi chợt bắt gặp chính mình, mặc quần áo lót, bò lê bò càng trên sàn nhà, trong một căn phòng cũ nát của khách sạn Royalton, trong tình trạng bất lực, không thể kết thúc nổi một vần thơ”
Hơn 25 năm sau khi được công bố, Hallelujah tiếp tục được cả trăm ca sĩ trình diễn. Năm 2004, phiên bản của Jeff Buckley được tạp chí Rolling Stone’s xếp hạng vào danh sách “500 bài ca hay nhất từ trước đến nay”. Năm 2005, bài này được đứng hạng 10, trong danh sách 10 bài ca hay nhất của Canada, từ xưa tới nay, theo thăm dò của tạp chí Chart.
Năm 2008, vào mùa Giáng sinh, Hallelujah là bài ca đầu tiên chiếm hai ngôi vị , thứ nhất và thứ nhì trong bảng xếp hạng của Anh quốc, nhờ vào hai phiên bản, một của Jeff Buckley và một của Alexandra Burke.
Với bài Hallelujah, Leonard Cohen hoàn thành điều anh mong đợi. Như anh thường nói, anh mang hoài bão xây dựng những bài ca như người ta chế tạo xe Volvo, để có thể bền chắc 30 đến 40 năm sau. Có lẽ bởi vậy mà kể từ năm 1967 đến nay, Leonard Cohen liên tục được ái mộ trên khắp thế giới. Nếu trước đây, Leonard Cohen được công nhận nhờ vào bài “ Suzanne” hay “Bird on a wire”, ngày nay giới trẻ và khán giả 5 châu mê say “Hallelujah” và “ I’m your man”.
Ưu điểm nổi trội của Leonard Cohen vẫn không thay đổi từ đó đến nay: Đó là những từ ngắn ngủi , không quá 3 âm tiết, đôi khi mang chất thơ, đôi khi rất thông tục và những hình tượng trích dẫn từ Kinh thánh, trên một giai điệu, thoạt nghe rất đơn giản, nhưng cứ lấp lánh mãi trong tâm thức người nghe.
Ain’t no cure for love : Không gì chữa trị nổi tình yêu
Sinh ngày 21 tháng 9 năm 1934 tại Montreal, Canada, trong một gia đình Do thái, Leonard Cohen đã thừa hưởng truyền thống sùng đạo và hành trang tinh thần của một dân tộc đã từng lênh đênh suốt chiều dài của lịch sử. Có thể từ đó mà nỗi bất an của Leonard Cohen đeo đuổi anh cho đến tận bây giờ.
Từ rất sớm, mâu thuẫn giữa đòi hỏi của tâm linh và nhục dục đã nằm ở tâm điểm cuộc đời chàng thi sĩ kiêm ca sĩ- Anh đã từng phán đoán “Không gì chữa trị nổi tình yêu”, cho dù Leonard Cohen nổi tiếng là kẻ đào hoa “ a ladies' man”, như anh thú nhận vào năm 1977.
Rất nhiều giai nhân đã đi qua cuộc đời thi sĩ đa tình, nhưng đa sầu đa cảm này. Những người vợ, những người yêu, những cuộc tình ngắn ngủi với các người đẹp tứ xứ, những cuộc gặp gỡ nửa đêm nhân các chuyến trình diễn và ngao du thiên hạ, tất cả đã đến rồi đi, để lại một nỗi trống vắng và ít nhiều xót xa. Cho nên ngày nay, Leonard Cohen vẫn cô đơn như thuở vào năm 1967, anh hát trong bài Bird on a wire:
“Như loài chim đậu trên giây kẽm
Như tên say rượu lạc giữa dàn đồng ca đêm
Tôi tìm Tự Do.”
Trong tình yêu đã đành, anh còn tìm cách chữa trị nỗi hoang mang của mình trong nhà thờ Do thái, hay nhiều năm ròng, trong Đạo Thiền. Thậm chí anh đã cạo đầu đi tu nơi cửa Phật năm 1996.
Năm ngoái 2009, khi đã ngoài 70, Leonard Cohen lưu diễn trên toàn thế giới và giành được thành công ngoài sự mong đợi.
Như anh đã kết luận: “Cuộc đời không thể hoàn hảo, nhưng đổi lại, công việc của mình có thể hoàn thiện.”
Leonard Cohen - I'm Your Man

Read more ...

Tôi yêu em... (Puskin)


ALEKSZANDR SZERGEJEVICS PUSKIN (1799—1837)


Tôi yêu em: đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai;
Nhưng không để em bận lòng thêm nữa,
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài.

Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng,
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen,
Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm,
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em.


Thuý Toàn dịch


I loved you, and I probably still do,
And for awhile the feeling may remain;
But let my love no longer trouble you,
I do not wish to cause you any pain.
I loved you; and the hopelessness I knew,
The jealousy, the shyness -- though in vain --
Made up a love so tender and so true
As may God grant you to be loved again



Read more ...

Donna Donna - Khát vọng tự do

Donna Donna Donna Donna... Donna Donna Donna Don...

Có lẽ những ca từ trên đã không còn xa lạ gì với những người yêu thích âm nhạc. Ắt hẳn ai trong chúng ta, dù yêu thích những ca khúc xưa cũ của thế kỷ XX hay không, thì đều đã từng một lần nghe qua những giai điệu nhẹ nhàng mà như thở than, như trách móc của ca khúc nổi tiếng Donna Donna - một ca khúc dù đã nghe đi nghe lại ca khúc này hàng trăm lần, nhưng những cảm xúc vẫn nguyên vẹn như mới lần đầu biết đến.

Donna Donna nguyên gốc là một ca khúc có tên gọi Dana Dana cho một vở nhạc kịch được sáng tác vào khoảng năm 1940-1941. Ngày nay, ca khúc được biết đến rộng rãi với nhiều phiên bản cùng mang tên Donna Donna bằng nhiều thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Nga... và cả tiếng Việt. Trong đó, nổi tiếng nhất vẫn là hai bản tiếng Anh và tiếng Pháp.

Bản tiếng Anh có lẽ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc hơn bản tiếng Pháp, và cũng dễ tiếp cận hơn. Rất nhiều ca sĩ đã thể hiện Donna Donna, và hầu như mỗi người đều thành công trong nỗ lực đưa tình cảm của ca khúc đến với người nghe.

Donna Donna có một giai điệu rất đơn giản ở gam Sol thứ, bất cứ ai cũng có thể hát theo dễ dàng. Mở đầu bài hát tả một bức tranh ít nhiều tạo cho ta một cảm giác lạ:

Rốt cuộc sinh mạng dùng để làm gì khi mà sự tự do của bản thân còn không có được?
On a wagon bound for market
There's a calf with a mournful eye
High above him there's a swallow
Winging swiftly through the sky

"Trên một chiếc xe đẩy hàng ra phiên chợ, có một chú bê bị trói mang đôi mắt thê lương. Cao rất cao phía trên chú có một con chim nhạn lướt nhanh qua bầu trời".

Một cảnh tượng đầy đối lập khiến ta thoáng buồn: chim nhạn trên cao còn bê ở dưới, chim nhạn bay được còn bê thì không, chim nhạn thật tự do trên bầu trời còn bê không có được tự do ấy. Điệu nhạc lúc trầm lúc bổng phải được kết hợp với giọng hát não nề thể hiện cảm giác buồn thảm. Và rồi đoạn điệp khúc cất cao như lời trách móc của chú bê tội nghiệp:

How the winds are laughing
They laugh with all their might
Laugh and laugh the whole day through
And half the summer's night

"Những cơn gió đang cười vui làm sao! Chúng cười với tất cả sức lực của mình, suốt cả ngày và đến tận nửa đêm mùa hạ".

Những cơn gió là những kẻ vô tâm, chúng tận hưởng sự phóng đãng của chính mình mà không để ý đến hoàn cảnh tù túng của kẻ đang mất đi tự do. Thế rồi những tiếng Donna nhẹ như than van cất lên: "Donna Donna Donna Donna... Donna Donna Donna Don..." dài tưởng như bất tận. Nhưng rồi tiếng than đó bị cắt ngang bởi giọng nói của người nông dân:

"Stop complaining", said the farmer
"Who told you a calf to be?
Why don't you have wings to fly away
Like the swallow so proud and free?"

"Thôi phàn nàn ngay! Ai bảo mi là một con bê chứ? Tại sao mi không có cánh để bay đi như chim nhạn thật tự do kiêu hãnh?"

Chú bê tội nghiệp mãi mãi không thể trả lời câu hỏi đó. Tại sao chú lại là một con bê chứ không phải là một con chim nhạn? Tại sao chú lại không thể bay? Tại sao chú phải gánh chịu số phận khổ đau trong khi kẻ khác tự do thật vui vẻ? Những câu hỏi đó ai có thể trả lời thay? Và trước khi kết thúc bài hát bằng một đoạn điệp khúc lặp lại, tác giả bài hát như muốn đưa ra kết luận:

Calves are easily bound and slaughtered
Never knowing the reason why
But whoever treasures freedom
Like the swallow has learned to fly

"Những con bê thật dễ dàng bị trói và giết, chúng không bao giờ biết được lý do tại sao. Nhưng bất cứ ai cũng đều trân trọng tự do như những chú nhạn kia học cách bay vậy".

Bài hát kết thúc như một câu chuyện ngụ ngôn, đồng thoại.


Cảm giác tự do... thật sự rất tuyệt vời.

Đó gọi là số phận ư? Chú chim nhạn sinh ra để bay lượn tự do trên bầu trời cao rộng, những cơn gió tồn tại chỉ để thổi khắp nơi, nhưng chú bê sinh ra chỉ để bị đem ra chợ bán. Rốt cuộc sinh mạng dùng để làm gì khi mà sự tự do của bản thân còn không có được?

Những cơn gió, chú chim nhạn đã có sẵn tự do, làm sao hiểu được cảm giác tù túng của chú bê tội nghiệp? Chỉ có chú bê và người nông dân là hiểu được và trân trọng thực sự giá trị của sự tự do tự tại, đáng tiếc là bê con không bao giờ có được sự tự do vô cùng quý giá ấy.

Cảm giác tự do... thật sự rất tuyệt vời.

Read more ...

Website counter